Đó là ý kiến góp ý của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong báo cáo gửi Thủ tướng về thực trạng một "núi" hơn 4.200 điều kiện kinh doanh cản trở tự do kinh doanh.
"Lách Luật", "qua mặt" để dựng hàng rào
Cụ thể, theo TS Nguyễn Đình Cung, trong quy định của Luật đầu tư 2014, ngoài các trình tự, thủ tục theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ, cơ quan liên quan phải xây dựng “đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư kinh doanh”.
"Đề xuất này phải bao gồm các nội dung bắt buộc như: Phân tích sự cần thiết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung; đánh giá tính hợp lý, khả thi của việc sửa đổi, bổ sung, tính phù hợp với điều ước quốc tế; đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung", TS Cung nhắc lại.
Về trách nhiệm báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan được Chính phủ giao quản lý các thủ tục và điều kiện về đầu tư, kinh doanh. Chính vì vậy, các đề xuất này phải được lập thành tài liệu riêng và gửi lấy ý kiến Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được thực hiện. Thực tế, hiện nay Bộ KH&ĐT chỉ được gửi các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về sửa đổi, bổ sung về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) để "lấy ý kiến góp ý" theo yêu cầu tham vấn.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm rà soát điều kiện kinh doanh theo quy định hiện cũng bị bỏ ngỏ, không báo cáo Thủ tướng.
Cụ thể, theo quy định của Luật đầu tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, định kỳ hằng năm có trách nhiệm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Các kết quả rà soát phải được gửi cho Bộ KH&ĐT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhưng yêu cầu này đã không được thực hiện trong thời gian vừa qua.
Khó cắt vì bắt các bộ, ngành "lấy đá tự ghè chân mình"
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chỉ rõ cơ chế, lỗ hổng để các bộ, ngành "lách" Luật ra điều kiện kinh doanh. Cụ thể, Luật đầu tư đã quy định tiêu chí đánh giá sự cần thiết và hợp lý khi ban hành ĐKKD nhưng quy định này chưa được hiểu đúng, chưa áp dụng nghiêm túc.
Một số trường hợp, các tiêu chí về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng bị lạm dụng; cơ quan soạn thảo đơn thuần viện dẫn lý do trên để thuyết minh sự cần thiết phải quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh mà không có sự đánh giá, phân tích thêm về quy mô, mức độ rủi ro; đánh giá, so sánh các giải pháp khác nhau từ đó chứng minh sự cần thiết phải can thiệp bằng quy định pháp luật.
Viện trưởng Cung chỉ rõ: Phương thức rà soát, cắt giảm ĐKKD hiện được thực hiện chủ yếu là giao cho các Bộ, ngành tự rà soát và đề xuất sửa đổi. Với cách thức này, kết quả thành công sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sự tự giác, chủ động của các Bộ, ngành. Điều này là không khả thi vì cơ quan thực hiện rà soát, chịu trách nhiệm cải cách lại chính là cơ quan đã và sẽ tham mưu ban hành ra các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ông Cung khẳng định: Chính vì phương thức trên nên kết quả, các đợt rà soát, cải cách về ĐKKD không đạt như mục tiêu của Chính phủ và mong muốn của DN.