Clip ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nói về việc dự án Xa lộ Hà Nội bị đội vốn
Đội vốn vì… giải phóng mặt bằng
Ngày 23/8, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp giao ban báo chí do ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM chủ trì. Tại buổi họp này, ông Võ Văn Hoan và ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã trả lời những thắc mắc xoay quanh kết luận của Thanh tra Chính phủ về 6 dự án giao thông, môi trường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại TP.HCM.
Các dự án này bao gồm: Xây dựng cầu Phú Mỹ, đường kết nối cầu Phú Mỹ, dự án Xa lộ Hà Nội, dự án cầu Bình Triệu 2, dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu, và dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc.
Ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM (phải) và ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM.
Nói về việc đầu tư dự án BOT Xa lộ Hà Nội, ông Bùi Xuân Cường cho biết: Phương án tài chính lúc đó là nhà đầu tư sẽ xây dựng tuyến đường; còn thành phố chịu trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai dài 19km. Trong quá trình thực hiện dự án này, thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng ở Xa lộ Hà Nội đoạn đi qua khu vực tỉnh Bình Dương, nên bị đội vốn.
“Khi đó, TP.HCM đã nhiều lần có văn bản kiến nghị với Bộ GTVT nhưng vẫn không cân đối được. Qua tính toán lưu lượng phương tiện, TP.HCM thống nhất với nhà đầu tư bổ sung 1.400 tỉ này vào phương án tài chính để nhà đầu tư bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng và xã hội hóa số tiền này”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, ngày 4/8/2016, TP.HCM đã có văn bản duyệt bổ sung đầu tư dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1. Trong cơ cấu duyệt đó đã có 1.400 tỉ này, tức là thành phố đã thực hiện. Số tiền đó đã chi cho việc giải phóng mặt bằng nhưng đến nay chưa thực hiện xong. Thời điểm bắt đầu thanh tra là cuối tháng 9/2015 nên kết luận thanh tra có thể chưa xem xét tới yếu tố này.
“Không có lợi ích nhóm ở đây”
Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan chia sẻ: “Đô thị hóa luôn đi kèm với những thách thức phải đối mặt là kẹt xe, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo,... Ngay 15 năm trước, TP.HCM đã nhận diện được điều đó, tất cả những vấn đề này đã được thành phố bàn nhiều, bàn hết và bàn từ lâu”.
Theo ông Hoan, TP.HCM là địa phương đi đầu trong triển khai, phát triển BT, BOT. Lúc đó, UBND TP.HCM đi làm việc như một doanh nghiệp, phải thương thảo với doanh nghiệp bằng hợp đồng kinh tế. “Hồi đó nếu mình không làm thì không ai làm. Và những quyết sách của lãnh đạo TP.HCM liên quan tới các dự án này đều dựa trên quy định của pháp luật”, ông Hoan khẳng định.
Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết thêm, từ dự án cầu Bình Triệu cho tới Xa lộ Hà Nội rồi đến cầu Phú Mỹ, UBND TP.HCM đều xin ý kiến của HĐND TP.HCM. Trong quá trình thực hiện, thành phố luôn tính toán rất kỹ từng loại xe, giá thuế phí, vị trí đặt trạm thu phí,… sao cho hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Song theo ông Hoan, những giải trình của TP.HCM chưa được Thanh tra Chính phủ xem xét một cách thấu đáo. Tuy nhiên, ông Hoan lưu ý: Thanh tra Chính phủ chỉ nêu trong kết luận là “số tiền sai phạm” chứ chưa nói đến vấn đề “thất thoát”.
Đi sâu vào dự án cầu Phú Mỹ mà kết luận thanh tra nêu rõ TP.HCM chỉ định thầu là sai quy định của pháp luật, ông Hoan cho rằng: “Cầu Phú Mỹ gắn với đường Phú Mỹ. Câu hỏi là có nên cho đấu thầu để có 2 nhà thầu và có 2 trạm thu phí ở 2 nơi hay không? Trường hợp này, nhà đầu tư có thể bỏ thêm một chút tiền để phát huy công trình của họ là cầu Phú Mỹ đã làm xong trước đó, rồi cho họ thu phí lâu hơn một chút”.
Cầu Phú Mỹ là một trong các công trình được nhắc tới trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo ông Hoan, TP.HCM đã giải trình với Thanh tra Chính phủ về vấn đề trên theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 78/2007/NĐ-CP nhưng không được chấp nhận. Cụ thể quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 78/2007/NĐ-CP là: “Dự án cần được thực hiện để đáp ứng nhu cầu cấp bách về sử dụng công trình kết cấu hạ tầng hoặc để đảm bảo tính liên tục trong việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà không thể tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án” thì được chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án.
Tuy nhiên, ông Hoan cho biết, TP.HCM vẫn tiếp thu kết luận của Thanh tra Chính phủ; và sẽ triển khai ngay các giải pháp khắc phục mà trọng tâm là thanh toán, quyết toán. “Chúng ta không làm thất thoát ngân sách, không có lợi ích nhóm ở đây”, ông Hoan khẳng định.
“TP.HCM cũng sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm để đóng góp cho chính sách chung của cả nước về chính sách BOT. TP.HCM đã nhìn thấy những cái có lợi và bất lợi của BOT, nhưng TP.HCM cam kết không để cho nhà đầu tư bất lợi, luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển”, ông Hoan nói.
Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2010 đến tháng 6/2015 trên địa bàn TP HCM có 13 dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường được xây dựng giá trị gần 33.000 tỷ đồng từ 8 nhà đầu tư. Trong số đó có 5 dự án giao thông đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, 8 dự án còn lại đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 26.000 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, hầu hết các dự án BOT nêu trên đều chậm tiến độ, từ đó dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư.
Nhiều dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường liên tỉnh sau thời gian ngắn sử dụng đã xuống...