Phát triển đội ngũ tri thức mạnh toàn diện
Lần đầu tiên, Hà Nội đặt ra một mục tiêu khá toàn diện trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài vấn đề đầu tư về thể chất như chăm lo về sức khoẻ, tăng cường hoạt động rèn luyện thể thao, Hà Nội rất chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho lao động.
Lễ tôn vinh thủ khoa đầu ra Thủ đô tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.Ảnh: M.N
Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cho biết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô được xem là yếu tố quyết định sự thành công trong nhiều mục tiêu mà Hà Nội đặt ra.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đặt vấn đề cần chăm lo công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hội nhập quốc tế. “Nguồn tri thức trẻ cần giỏi về trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị vững vàng. Là công dân tốt, gương mẫu, có ý thức và đạo đức nghề nghiệp. Quan trọng nhất rèn luyện ý thức trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” -ông Lợi nói.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nhân lực Thủ đô, Hà Nội cũng xác định cần tập trung nâng cao thể chất người Hà Nội, trên cơ sở đảm bảo dinh dưỡng an toàn, hợp lý kết hợp với đẩy mạnh hoạt động rèn luyện thân thể trong nhà trường và cộng đồng dân cư. “Hiện nay, Hà Nội đang khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác các nguồn vốn để phát triển hệ thống, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo, đãi ngộ, tuyển dụng và sử dụng đội ngũ tri thức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô” - ông Lợi nói.
Nhiều cách để “hút” nhân tài
Để xây dựng đội ngũ trí thức trẻ mạnh, đông đảo, hiện nay Hà Nội đã có nhiều giải pháp thu hút người tài. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 91/2009/QĐ-UBND về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.
Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức của thành phố Hà Nội là 112.438 người; trong đó, số có trình độ tiến sĩ là 298, thạc sĩ là 3.484, đại học là 49.806 và cao đẳng có 23.220 người. Trong những năm qua, đội ngũ trí thức Thủ đô đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, họ còn là những người trực tiếp tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm khoa học - công nghệ phục vụ đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Thủ đô và đất nước. |
Thời gian qua, thành phố đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho nhiều cán bộ tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài theo chương trình của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành... Từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã tổ chức thi và tuyển chọn 500 sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và người có trình độ thạc sĩ để đào tạo cán bộ nguồn. Các học viên được học tập tại Trường Chính trị Lê Hồng Phong từ nguồn ngân sách của thành phố, sau đó được phân công về các xã, phường, thị trấn để tìm hiểu, nắm bắt thực tế tại cơ sở. Kết thúc khóa đào tạo, thành phố đã bố trí công tác cho những học viên có kết quả học tập tốt việc làm việc tại các đơn vị thuộc thành phố qua xét tuyển công chức.
Ngoài ra, hàng năm thành phố cũng duy trì tốt việc tổ chức lễ tuyên dương sinh viên xuất sắc, thủ khoa các trường đại học, cao đẳng và có chính sách thu hút, tuyển dụng những tri thức tốt cho thành phố. Thành phố cũng thực hiện hỗ trợ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế đang dạy học.
Tuy nhiên, bên cạnh chế độ tôn vinh, ưu đãi, theo thầy giáo Nguyễn Minh Tư (Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội) Hà Nội cần tạo điều kiện để đội ngũ trí thức trẻ sáng tạo và cống hiến. Nếu không có môi trường để các trí thức sáng tạo, cống hiến thì năng lực, tài năng của họ đều bị lãng phí. Mặc dù thành phố đang sở hữu một đội ngũ trí thức trẻ đông đảo, phẩm chất tốt song hiệu quả công tác và nghiên cứu khoa học không cao, còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy.
“Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất đối với đội ngũ trí thức là sự tin tưởng, dân chủ, tôn trọng ý kiến riêng của mỗi người, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy cao nhất khả năng sáng tạo. Thực tế cho thấy, bất cứ trí thức trẻ nào cũng mong muốn có “đất dụng võ”, được tin dùng, giao đúng việc và có chế độ đãi ngộ hợp lý” – thầy Tư cho biết.