Dân Việt

Vẫn khó xác định tâm bão số 11

Thanh Xuân 13/10/2013 21:11 GMT+7
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung, bàn biện pháp ứng phó với bão số 11 chiều ngày 13.10, , Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết vẫn khó xác định tâm bão.
Nhận định của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho thấy, vẫn rất khó dự báo chính xác thời điểm cũng như tâm bảo đổ bộ khi nào. Hiện các Trung tâm dự báo thế giới vẫn có những nhận định khác nhau, trong khi thông tin dự báo từ Mỹ cho rằng tâm bão vào Đà Nẵng, thì Hồng Kong dự báo bão sẽ đổ bộ vào Thừa Thiên Huế. Còn Nhật Bản thì dự báo Thành phố Đồng Hới của Quảng Bình sẽ là tâm bão đổ bộ.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định nếu bão vào Đà Nẵng thì sẽ cập bờ vào ngày 15, còn trường hợp bão dịch chuyển lên phía Bắc và đổ bộ vào Quảng Bình thì cập bờ muộn vào đêm 15 và rạng sáng ngày 16.10.

Đến 15h ngày 13.10, các địa phương miền Trung đã thông báo cho hơn 60 nghìn phương tiện với hơn 270 nghìn người biết hướng di chuyển của bão để tránh trú. Hầu hết các tỉnh, thành phố miền Trung đều đã tích cực các phương án phòng chống bão. Tuy nhiên, hiện các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ đã tích đầy nước trong khi dự báo lượng mưa lớn sẽ tập trung ở khu vực này. Vì vậy, có nhiều hồ trong tình trạng mất an toàn.

Đối với sản xuất nông nghiệp, hiện Bắc Trung Bộ đã thu hoạch lúa Hè Thu và lúa Mùa được hơn 90% diện tích và gieo trồng được 65 nghìn ha cây vụ Đông. Còn Nam Trung Bộ đã thu hoạch xong lúa hè thu, và gieo cấy được hơn 90% diện tích lúa mùa. Vì vậy, các địa phương cần đặc biệt chú trọng đảm bảo hạn chế thiệt hại cây trồng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý các địa phương rút kinh nghiệm từ bão số 10 để có biện pháp phòng chống bão số 11 tốt hơn. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, yêu cầu các địa phương, tùy theo diễn biến của bão chủ động cấm biển và bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão. Tập trung đôn đốc các hồ vận hành xả nước phù hợp với tình hình thực tế , đặc biệt là vận hành liên hồ chưa trên các hệ thống sông Hương, Vu Gia, Thu Bồn và sông Ba…

Kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc, phương án sơ tán vùng hạ du để kịp thời cảnh báo và sơ tán dân khi xả lũ. Rà soát các phương tác sơ tán, di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, có phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm, tràn, cương quyết không cho đi qua những khu vực nguy hiểm, khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng công trình...