Dì tôi là một người đàn bà có số phận long đong. Vợ chồng dì sinh được 3 người con, đang lúc nuôi các con ăn học thì chồng dì bị tai nạn nên mất sức lao động, loanh quanh chỉ ở nhà làm việc vặt. Cả 5 miệng ăn trong nhà chỉ trông vào nghề buôn lạc. Nhưng dù khó khăn, dì vẫn cố gắng cho 3 em ăn học. Biết phận, 3 anh em đều ngoan ngoãn học hành, yêu thương nhau.
Tuấn, thằng con lớn nhà dì sau khi tốt nghiệp đại học đã tìm được việc quản lý trong một khu công nghiệp ở xa với mức lương khá cao, 20 triệu một tháng. Thương mẹ còn vất vả, thương các em còn ăn học thiếu thốn nên Tuấn đều đặn gửi tiền về mỗi tháng 3 triệu cho mẹ nuôi các em.
Dù hai vợ chồng vẫn phải thuê nhà nhưng Tuấn đều đặn vẫn gửi tiền về cho mẹ hàng tháng (ảnh minh họa: IT)
Rồi Tuấn lấy vợ, cô kế toán cùng công ty có gia cảnh tương đối khá, nghe nói là cũng ngoan ngoãn. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng thuê nhà trọ ở gần công ty, định bụng chăm chỉ làm ăn dành tiền mua đất xây nhà rồi an cư lạc nghiệp ở mảnh đất này. Có điều, tuy đã lấy vợ, Tuấn vẫn đều đặn gửi về nhà mỗi tháng 2 triệu để đỡ đần mẹ chợ búa, nuôi em. Vợ Tuấn hậm hực không mấy vừa lòng nhưng cũng chưa có cơ hội làm lớn chuyện.
Đến khi vợ Tuấn sinh con, dì tôi nghỉ chợ một tháng để xuống trông cháu. Bà xách con gà, chục trứng và vài bó rau ngót cắt từ vườn nhà, tưởng đâu mang xuống con dâu sẽ quý hóa, nào ngờ nó lại tỏ ý chê bai toàn đồ nhà quê, thăm con thăm cháu mà bà không bỏ một đồng mua cho cháu được hộp sữa hay bộ quần áo. Không muốn đôi co to chuyện nên dì đành nhẫn nhịn.
Hôm ấy, dì tôi nhận được điện thoại của thằng thứ hai ở nhà thông báo đỗ đại học với giọng mừng mừng tủi tủi. Niềm vui chưa kịp hiện hữu thì nỗi buồn ập đến khi dì nghĩ đến khoản tiền ăn học cho con.
Buổi tối, thấy mẹ có vẻ phiền muộn, Tuấn mới thủ thỉ hỏi chuyện. Bà không giấu được thằng anh cả, đem sự lòng kể hết rồi rầu rĩ: “Có khi cho nó đi học nghề hàn xì mấy tháng rồi về kiếm tiền chứ bây giờ đi học 4, 5 năm tao không nuôi nổi. Tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền học ngót nghét cũng phải 3 triệu một tháng, lại còn con út, còn ông già, tao bới đâu ra”.
Thương mẹ, Tuấn nghĩ ngợi giây lát rồi quyết định nhận trách nhiệm nuôi em học hết đại học. Dì tôi không muốn đặt thêm gánh nặng lên vai Tuấn, nên gạt tay từ chối.
Chẳng ngờ dì chưa kịp lên tiếng thì cô con dâu từ đâu nhảy xổ ra, mặt hầm hầm nói lớn: “Tôi chịu nhịn đủ lắm rồi đấy, từ ngày cưới nhau, tháng nào anh cũng chu cấp về nhà 2 triệu đều như vắt chanh tôi đã không nói gì, giờ anh định lấy cả tiền bỉm tiền sữa của con để nuôi em trai ăn học thì tôi nhất định không bỏ qua. Anh nên nhớ anh là người đã có gia đình, anh cũng phải lo cho vợ con anh chứ. Thế anh định để hai mẹ con tôi chui rúc trong cái nhà trọ chập hẹp này đến bao giờ hả? Tôi nói cho anh biết, của chồng công vợ, tiền của anh cũng là tiền của tôi, anh không có quyền quyết định. Anh em kiến giả nhất phận, anh không lo mãi được cho chúng nó đâu, bảo chúng nó biết phận nhà nghèo thì tự lập dần đi, chứ anh chị không có “thóc đâu mà đãi gà rừng” mãi được.
Vợ vừa dứt lời Tuấn đã nổi khùng dang tay tát bốp vào má vợ. Dì tôi nghe cô con dâu có tiếng ngoan hiền tuôn ra những lời cay nghiệt, đoạn tình đoạn nghĩa thì chỉ biết ôm ngực khóc ngất.
Hình minh họa
Đến giờ, dì tôi suy sụp quá nên đã bỏ về quê, hai vợ chồng Tuấn vẫn “chiến tranh” chưa có hồi kết. Tuấn có tâm sự với tôi để tìm một lời khuyên sáng suốt từ người ngoài cuộc, rằng nếu vợ nhất quyết làm căng không cho Tuấn nuôi em thì Tuấn nên nhượng bộ hay chấp nhận ly dị người phụ nữ ích kỷ ấy? Thực lòng là chị họ nhưng tôi cũng không biết phải tư vấn cho em thế nào để hợp tình hợp lý.