Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn cùng ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), kiêm Chủ tịch diễn đàn CEO của APEC và đại diện các nền kinh tế APEC, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: K.L
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, nhu cầu nông sản tăng lên trong khi sản xuất nông nghiệp đang phải chịu nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu. Chính vì thế, việc đổi mới đóng vai trò quan trọng, bao gồm những sáng kiến đổi mới, các sản phẩm mới và các ứng dụng đổi mới trong phương thức canh tác cũng như trong quá trình chế biến nông sản. Đặc biệt, khi các sáng kiến, đổi mới chúng ta có thể quản lý được tài nguyên nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khi hậu và dưa ra giải pháp để tăng cường phối hợp giữa khu vực nhà nước và tư nhân.
Thứ trưởng cho rằng, khu vực tư nhân hoạt động hiệu quả nhất trong khi chúng ta phát triển ra các phương thức đổi mới để biến thách thức thành cơ hội cũng như phát triển sản phẩm, dịch vụ, thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp. Vì thế, cần có tư duy đổi mới để phát triển ý tưởng và khởi nghiệp doanh ghiệp để biến các ý tưởng thành thực tế. “Việt Nam đã tạo ra tiến trình tốt, thúc đẩy hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thành công” – Thứ trưởng khẳng định và mong muốn tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa, tăng cường đối thoại, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác nhau.
Diễn đàn mở đầu bằng câu chuyện khởi nghiệp của MimosaTek – một doanh nghiệp tập trung vào ứng dụng internet of things để xây dựng nền nông nghiệp chính xác. Doanh nghiệp này ứng dụng công nghệ tưới nước thông qua các cảm biến, giúp nông dân tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước tưới so với hình thức canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, với thuật toán điều khiển tưới thông minh, bộ rễ của cây trồng luôn được giữ ở điều kiện tối ưu nhất, giúp tăng 25% năng suất.
Các đại biểu cùng tham gia thảo luận sôi nổi về các câu chuyện khởi nghiệp trong nông nghiệp. Ảnh: K.L
Theo ông Nguyên Khắc Minh Trí, Tổng Giám đốc MimosaTek, ý tưởng và nhân lực là 2 nhân tố quan trọng nhất để khởi nghiệp nông nghiệp và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong canh tác, chế biến và tiếp thị nông sản cũng như trong cách quản lý đất đai và sử dụng tài nguyên.
Bà Annette Gittos, chuyên gia phân tích cao cấp đến từ Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản và Chính sách quốc tế của New Zealand đã chia sẻ với Diễn đàn về thúc đẩy phát triển trang trại ở New Zealand thông qua Chương trình Farm IQ – đã thực hiện được 7 năm qua. Đây là chương trình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân nhằm nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường, tăng cường thúc đẩy hợp tác, khuyến khích sử dụng các công nghệ mới nghiên cứu, phát triển ra các sản phẩm khác nhau.
“Chương trình hỗ trợ phải có tư duy đổi mới, bảo vệ môi trường, đổi mới trong toàn bộ chuỗi giá trị” – bà Annette Gittos nhấn mạnh.
Theo bà Annette Gittos, tầm nhìn của chương trình này là tạo ra chuỗi giá trị thích hợp với người tiêu dùng, mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào chuỗi giá trị này. Qang trọng nhất là khi nông dân tham gia vào chương trình này sẽ được cung cấp các thông tin liên quan để điều chỉnh công nghệ phù hợp nhằm tạo ra kết quả mong muốn, nâng cao năng suất nông nghiệp, chuyển giao công nghệ cũng như thực hành các nông nghiệp tốt.
Họ có thể sử dụng điện thoại di động thông minh để thu thập thông tin từ hệ thống cung cấp, nâng cao mức lợi nhuận cũng như tăng cường tính bền vững thông qua nghiên cứu và phát triển, tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm hiểu thị hiếu người tiêu dùng… Hiện mô hình này đã được áp dụng khá thành công ở New Zealand và đang mở rộng áp dụng ở Sri Lanka.
Toàn cảnh diễn đàn APEC Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: K.L
Tại diễn đàn, các đại biểu trong và ngoài nước đều có chung một nhận định, ngành nông nghiệp của 21 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều đang đứng trước một thách thức chung, đó là nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng ngày càng cao trong khi dân số đang già đi, đô thị hóa ngành càng mạnh và biến đổi khí hậu đang gây nhiều ảnh hưởng tới nông dân. Trong bối cảnh đó, khu vực kinh tế tư nhân được xem là khu vực có những cách làm sáng tạo và hiệu quả nhất nhằm biến thách thức thành cơ hội để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia nông nghiệp cao cấp của World Bank tại Việt Nam cho rằng, muốn thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thì điều cần thiết là phải có một đội ngũ nhân lực hiểu về khởi nghiệp và có những ý tưởng sáng tạo, đổi mới để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống, thay vào đó là ứng dụng những công nghệ mới, sáng tạo, giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.
Ông Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh: Nông nghiệp có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế APEC. An ninh lương thực, an toàn thực phẩm là những vấn đề quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khó khăn chính hiện nay là khuyến khích các nền kinh tế bỏ rào cản thương mại, đặc biệt là rào cản phi thuế quan nhằm thúc đẩy đầu tư, giảm lãnh phí thất thoát lương thực và tăng cường công nghiệp chế biến.
Theo ông Dũng, việc tư nhân tham gia đầu tư sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực rất tốt, nhưng họ đang gặp khó khăn về vốn cũng như tiếp cận thị trường, công nghệ mới. “Diễn đàn APEC về khởi nghiệp doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một diễn đàn tuyệt vời cho Chính phủ, các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi ý tưởng cũng như thảo luận và tìm ra các giải pháp về công nghệ, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp. Chúng tôi hoàn toàn hỗ trợ cho những đổi mới và doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp và chúng tôi rất mong muốn xây dựng cơ chế quan hệ hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp” – ông Dũng chia sẻ.