Thay đổi thói quen
Hơn chục năm trước, tại các vùng quê trên địa bàn tỉnh Thái Bình việc mời khách hút thuốc lá được coi như một phần quan trọng khi gia đình có việc lớn. Vì vậy, gia chủ luôn để tâm đến việc này để tránh bị chê trách. Nhiều nhà có đám cưới còn bày sẵn gói thuốc lá và bao diêm trên bàn uống nước để khách lấy hút tự nhiên. Thậm chí, khi đi đăng ký kết hôn, nhiều bạn trẻ không quên cầm theo gói thuốc lá để mời cán bộ... Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết: “Trước kia ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, việc mời thuốc lá ở đám cưới, đám tang, lễ hội được coi là một phần quan trọng. Vì vậy gia chủ luôn chú trọng thực hiện chu toàn để tránh bị chê trách. Song cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức thực hiện pháp luật và hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người được nâng cao, ở những đám cưới, đám tang, lễ hội hiện nay, việc mời thuốc lá đã trở nên lạc hậu”.
Với hình thức tuyên truyền bằng sân khấu hóa, người dân Thái Bình dễ hiểu, dễ nhớ và quyết tâm phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: CTV
Sau thời gian triển khai quy định công sở không khói thuốc lá, đến nay, tất cả cán bộ, công chức, viên chức của Hội Nông dân tỉnh đều thực hiện nghiêm túc. Môi trường làm việc trong lành hơn, sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức được bảo vệ tốt hơn”. Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình |
Theo ông Hòa, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phong trào xây dựng thôn làng văn hóa, nhiều thôn làng đã đưa quy định không hút thuốc lá vào hương ước. Đặc biệt, từ khi Quyết định 17/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về việc ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống, việc không mời thuốc lá, hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang và lễ hội đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, qua khảo sát tại các địa phương cho thấy, nhiều thôn, làng, tổ dân phố đã đưa quy định không hút thuốc lá vào hương ước, quy ước để mọi người cùng thực hiện. Thói quen hút thuốc lá ở những nơi tập trung đông người như đám cưới, đám tang và lễ hội đã giảm rõ rệt.
Tương tự, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đưa quy định không hút thuốc lá vào nội quy, quy chế hoạt động… Đây là một trong những tiêu chí thi đua hàng năm để mỗi cán bộ, viên chức, người lao động phấn đấu thực hiện. Từ đó tạo nếp sống văn minh, môi trường làm việc an toàn, hạn chế các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, đồng thời nêu cao ý thức bảo vệ và giữ gìn sức khỏe.
Tuyên truyền hiệu quả
Xã An Đồng là một trong những địa phương có nhiều chuyển biến tích cực và sáng kiến trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Hiện, xã An Đồng có 4 làng thì cả 4 làng đều đã đạt danh hiệu làng văn hóa. Ông Phạm Minh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng cho biết: “Thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa, trong các đám cưới, đám tang ở địa phương, gia chủ không còn mời khách hút thuốc lá như trước đây. Tuy vẫn còn một số đám gia đình còn bày bao thuốc lá trên bàn uống nước, song số người hút thuốc đã giảm hẳn”.
Có kết quả đó bởi công tác phòng chống tác hại thuốc lá được UBND xã quan tâm triển khai, các ngành đoàn thể vào cuộc tích cực. Hội Nông dân xã thường kết hợp tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cuộc họp để các chi hội triển khai tới hội viên. Vì vậy, nhiều người dân đã nêu cao ý thức, giảm, bỏ hoặc nhắc nhau không hút thuốc lá để hạn chế tác hại do hút thuốc lá gây ra.
Theo ông Hòa, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và việc phòng chống trong các buổi sinh hoạt hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa đài thôn xóm, mít tinh. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình còn khéo léo đưa sân khấu hóa bằng việc xây dựng các chương trình văn nghệ, vở kịch ngắn, hoạt cảnh chèo nội dung về chống thuốc lá. Thông qua các vở kịch ngắn này người dân dễ hiểu, dễ nhớ và quyết tâm phòng chống tác hại thuốc lá.