Dân Việt

Đằng sau tám trái xoài, trọng lượng nửa kg, giá 58 USD ở châu Âu

Ngọc Bích – Hà My 27/08/2017 06:15 GMT+7
TS Bart Van Ahee, VAHOL B.V (Hà Lan), nói chuyện tám trái xoài, khối lượng 0,5kg ở châu Âu có giá 58 USD. Để đạt được giá này thì trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi hái, chúng đến được châu Âu, cần nhiều nghiệp vụ và hậu cần phía sau.

Đối với chuỗi cung ứng, nếu xoài để được bảy ngày, nhưng chậm trễ trong việc đưa xoài đến châu Âu thì đơn vị đặt hàng sẽ có ít thời gian để bán hơn. Khi họ có ít thời gian để bán hơn, cũng có nghĩa là giá mà họ sẵn sàng chấp nhận trả cho chúng ta sẽ ít hơn.

img

Nông dân TP.HCM tham quan vườn dưa lưới của nông trại Hải Âu ở Tiền Giang. Ảnh: H.L.

Trong hệ thống phân phối, hợp đồng định nghĩa về thương mại, sản phẩm sẽ được vận chuyển từ A đến B, tuỳ theo tính chất của mỗi loại mà người nông dân có thể chọn để có được sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đó là sự thoả thuận giữa người bán và người mua và có nhiều kiểu cung ứng giữa người mua, người bán và giữa nhiều đơn vị tham gia, TS Bart Van Ahee nhấn mạnh.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả của Việt Nam đạt 2,46 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015. Đây là mặt hàng tăng trưởng nổi bật trong nhóm ngành hàng gặt hái nhiều thành công khi mở rộng thị trường. Ngược lại, trái cây từ các nước cũng ào ạt tràn vào.

Là một nước nông nghiệp, thị trường nông sản lại thất thủ ngay chính sân nhà; minh chứng là quá trình nhập khẩu nông sản các nước đang ào ạt đổ vào dù được đánh giá không ngon bằng Việt Nam, nhưng vẫn có thị trường tốt hơn ta. Ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, băn khoăn: người tiêu dùng lo lắng về chất lượng nông sản, trong khi nông dân đang cố gắng sản xuất nông sản sạch lại không bán được hoặc bán với giá rất thấp. Ở khu vực đô thị, người dân tận dụng khoảng trống trước sân, sau nhà, sân thượng để trồng rau; chia sẻ nhau cách trồng rau sạch, an toàn do thiếu tin tưởng lẫn nhau về chất lượng sản phẩm nông sản.

Cuộc kết nối cung – cầu, trong khuôn khổ hội chợ Nông sản sạch và an toàn diễn ra từ ngày 19 – 23/8 tại Cần Thơ, 50 lượt đăng ký kết nối, trong đó, hệ thống siêu thị Co.opmart 15 lượt; VinMart 10 lượt; công ty AT: 19 lượt; Big C Vietnam: 4 lượt… Cứ mỗi lần kết nối lại nghe câu chuyện xưa nay: nông – đặc sản ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh, nhưng các nhà cung cấp không biết có thể giao cho siêu thị mỗi ngày được bao nhiêu? Giá thành, chi phí vận chuyển thế nào? Chủ cơ sở, quy mô nông hộ, thiếu các thủ tục về mặt pháp lý vừa lo sản xuất vừa lo bán hàng… họ sẽ làm sao lo xuể khi có sự thay đổi về sản lượng hay các yêu cầu về pháp lý!?

Saigon Co.op ký kết tiêu thụ sản phẩm với hơn 100 nhà cung cấp tại các tỉnh, ông Nguyễn Nhật Trường, phó giám đốc phòng kinh doanh Saigon Co.op, cho biết những khó khăn trong chuỗi cung ứng gồm:

– Sản phẩm chưa qua kiểm nghiệm định kỳ, cơ sở chưa đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm sản xuất và kinh doanh, chưa sẵn sàng các thủ tục pháp lý để giao dịch mua bán;

– Đơn vị nhỏ lẻ, cơ sở ở xa, thông tin giao dịch chậm không thuận tiện cho việc giao nhận hàng hoá, chưa đáp ứng nhu cầu kinh doanh của kênh siêu thị;

– Sản phẩm nông nghiệp thường bị ảnh hưởng yếu tố thời vụ, thời tiết, sản phẩm có giá trị thấp;

– Thị trường biến động, giá cả tăng giảm, nông dân không giữ giá sản phẩm.

Ông Huỳnh Văn Sang, 62 tuổi, ở tổ hợp tác (THT) rau muống an toàn ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM, tham gia chương trình giao lưu với nông dân miền Tây do sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM và trung tâm BSA tổ chức, nói rằng đất nông nghiệp ở TP.HCM không có nhiều, toàn xã Bình Mỹ có 300ha trồng rau muống, riêng ông trồng hơn 5.000m2, thuê thêm 8.000m2 với giá 5 triệu đồng/1.000m2. Chi phí sản xuất khá cao do cái gì cũng phải thuê mướn, công lao động mỗi ngày 250.000 – 300.000 đồng để thu hoạch, chở rau. TP.HCM đông dân nhưng không phải dễ tìm đầu ra, vô siêu thị rất khó vì vướng thủ tục. Trong khi các con tìm việc khác nên bản thân ông cặm cụi làm, không người phụ giúp.

Dân cố cựu muốn bán đất, và người từ ngoài Bắc nhanh chóng chớp lấy cơ hội tích tụ đất đai. Họ cũng làm nông và cũng được chấn chỉnh theo hướng sạch, ông Sang nói. Cô Dương Thị Mánh, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, 67 tuổi, nhà nuôi cá, trồng rau, thích cảnh nhà vườn làm du lịch ở Phong Điền, thích mô hình trồng dưa lưới của công ty Hải Âu ở Hậu Giang, nhưng quy mô nhỏ lẻ, đất ít, vốn liếng năm đồng ba cắc thì làm sao đầu tư. Ở TP.HCM, phần đông lớp trẻ đã ly nông, còn lại những người cao tuổi. Thực trạng này đang lan tới nông thôn miền Tây.

Tại Cần Thơ đã xuất hiện lớp trẻ được ăn học, khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhưng chỉ là thiểu số, họ lặng lẽ tới mức startup của họ luôn nằm ngoài danh sách cần hỗ trợ.