1. Ngày 11.8, BS Dương Bích Thuỷ, phó trưởng khoa cấp cứu – hồi sức tích cực – chống độc người lớn, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết: “Trong 19 giường cấp cứu ở đây, 11 giường là bệnh nhân uốn ván”.
Bệnh nhân uốn ván được chăm sóc tại Bệnh viện nhiệt đới TP.HCM.
Bệnh uốn ván hầu như là bệnh của dân lao động nghèo không có ý thức chăm sóc vết thương hay chích ngừa uốn ván. BS Thuỷ nói: “Chích ngừa uốn ván không bảo vệ suốt đời như nhiều người vẫn tưởng. Ở nước ta vắcxin miễn phí dành cho trẻ dưới năm tuổi và có miễn dịch hơn năm năm. Đến tuổi đi học và trưởng thành, mọi người phải chích nhắc lại nhưng gần như không ai làm điều này. Càng lớn tuổi, sức đề kháng càng giảm, vì thế chỉ cần bị một vết thương nhỏ và không đi chích ngừa là có thể mắc uốn ván”.
Khoa cấp cứu – hồi sức tích cực – chống độc người lớn khá rộng, trong đó người ta tách ra một phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu cho những bệnh uốn ván nặng. Một điều dưỡng cho biết cần làm như thế, vì nếu không bệnh nhân sẽ lên cơn co giật nguy hiểm khi bị kích thích bởi tiếng động hay ánh sáng gay gắt.
Phòng có sáu bệnh nhân, năm người mê man phải thở máy, chỉ một bệnh nhân khá tỉnh táo có thể nói chuyện được, đó là ông Đức, 42 tuổi, tài xế đường dài, ngụ tại Gia Lai. Ông kể lại: “Ba tháng trời tôi phải vào đây cấp cứu hai lần vì uốn ván. Lần đầu bệnh viện tỉnh chuyển xuống một bệnh viện lớn của thành phố, họ không tìm ra bệnh, bác sĩ bên này qua hội chẩn biết tôi bị uốn ván nên mang về chữa. Về nhà vài tuần, tôi bị lại và vào thẳng bệnh viện này luôn”.
2. Ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khoa nhiễm D khá “tiếng tăm” vì nơi đây thường là nơi điều trị các bệnh “thời sự” như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1. Tại các phòng bệnh, người ta vẫn bắt gặp nhiều bệnh nhân uốn ván ổn định chuyển từ cấp cứu lên. Tại phòng 14, Út Em, 26 tuổi, ngụ tại Long An, là một trong số đó. Vào nghề đánh bắt trên biển vài tháng, tháng qua trong một chuyến ra khơi Em bị đứt tay trong lúc lao động. Thoạt đầu không có gì, nhưng mười ngày sau, Em dần dần cứng hàm, co giật và được tàu đưa vào Cà Mau cấp cứu. Khi vào bệnh viện tỉnh, Em đã hôn mê, mắt trợn trắng, tim ngưng đập, may sao sau một hồi bác sĩ nhồi tim, cấp cứu tim đập trở lại. Sau khi ổn định tạm thời, Em được chuyển lên bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chữa tiếp. Út Em nói: “Tôi nằm cấp cứu 28 ngày, lọc máu ba lần, chữa tốn kém lắm. Nhà nghèo, may được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, chứ nếu không chắc chết mất”.
Một nghiên cứu của BSCK 2 Nguyễn Thanh Phong, trưởng khoa nhiễm D, cho thấy tổng chi phí điều trị cho 152 ca uốn ván tại bệnh viện từ tháng 1 – 6.2016, lên tới 8,5 tỉ đồng. Ông nói: “Chi phí 20 – 40 triệu đồng/ca chiếm nhiều nhất, nhưng có ca lên tới hơn 100 triệu đồng nếu bệnh nhân có lọc máu, thở máy, xài kháng sinh do nhiễm trùng bệnh viện. Bệnh nhân càng lớn tuổi chi phí điều trị càng cao”.
Ngoài ra, một người bệnh, hai, ba người bỏ công ăn việc làm đi chăm sóc, mà phần lớn họ lại từ địa phương xa xôi đến. Nghiên cứu của BS Phong cho thấy, trong chi phí điều trị, một nửa là chi phí trực tiếp, nửa còn lại là chi phí gián tiếp.
Đáng nói là thảm hoạ này có thể phòng tránh nếu người ta biết chủ động chích ngừa uốn ván, thay vì khi có vết thương mới chích. Chỉ bỏ ra hơn 200.000 đồng chích ba mũi cơ bản vắcxin VAT là được bảo vệ được năm năm. Sau 5 năm, chích mũi VAT 4 bảo vệ được mười năm, và sau mười năm chích mũi VAT 5 bảo vệ được 20 năm.
Nhưng cái giá của việc không chích ngừa chủ động đôi lúc lớn hơn nhiều. Cách đây hai năm một cô gái trẻ bị kẹt đứt ngón tay trong khi mở cửa. Do chủ quan không đến cơ sở y tế chích ngừa và chăm sóc vết thương, nên sau đó cô bị uốn ván. Vào bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị, bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật dẫn đến ngưng tim. Bác sĩ hồi sức tim, giúp tim đập lại nhưng do thiếu máu não một thời gian, bệnh nhân bị di chứng và phải sống thực vật suốt đời.
Trong khi ở nhiều nước số ca uốn ván giảm mạnh thì ở nước ta con số này lại có chiều hướng gia tăng. Năm 2005, bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 176 ca, nhưng vài năm gần đây từ 250 – 300 ca, hầu hết không chích ngừa uốn ván.
BS Thuỷ nói: “Hơn một nửa số này không có bảo hiểm y tế nên phải tự chi trả. Vài chục triệu đồng với người giàu không sao, nhưng với người nghèo thì quá lớn”.