Dân Việt

Buôn lậu thuốc ung thư: Tòa kiến nghị điều tra, tránh bỏ lọt tội phạm

Lương Kết 26/08/2017 06:30 GMT+7
Liên quan đến vụ án nhập thuốc giả để chữa ung thư, sau khi tuyên án cho các bị cáo, Tòa tiếp tục kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền làm rõ hành vi của một số cá nhân có liên quan trong vụ án này đã có vai trò giúp sức các bị cáo buôn lậu.

img

Các bị cáo tại tòa.

Ngày 25.8, sau năm ngày xét xử, Hội đồng xét xử TAND TP.HCM cho biết đối với ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục quản lý dược Bộ Y tế, ông Phan Công Chiến - Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược, bà Lê Thúy Hương - chuyên viên Phòng Quản lý kinh doanh dược là thành viên tổ thẩm định đã có vai trò thẩm định lô thuốc H-Capita nhưng không phát hiện sai phạm trong hồ sơ, đã đề xuất cho cấp phép các đơn hàng là chưa làm hết trách nhiệm.

Theo Cơ quan điều tra, sau khi cấp phép, Cục quản lý dược đã kịp thời kiểm tra và niêm phong lô thuốc, không cho bán ra thị trường. Xét thấy không cần thiết xử lý hình sự các cá nhân nêu trên mà Cơ quan điều tra đã kiến nghị Bộ Y tế xử lý nhưng Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết tiếp tục kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng nêu trên.

Là người tham gia tố tụng trong phiên tòa này, luật sư (LS) Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Tòa làm như vậy là đúng với thẩm quyền. Khi giải quyết vụ án, Tòa không chỉ giải quyết những nội dung có trong hồ sơ, khi phát hiện ra những tình tiết mới, tội phạm mới hoặc kẽ hở, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước thì Tòa có trách nhiệm yêu cầu cơ quan chức năng xem xét. “Đó vừa là thẩm quyền vừa là trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ pháp luật” - LS Tú nói.

Theo LS Tú, kiến nghị của Tòa có căn cứ để xem xét, mặc dù trước đó Cơ quan điều tra cho rằng không cần thiết phải xử lý hình sự.

“Đây thuộc về quan điểm giải quyết. Theo cơ quan điều tra, hành vi của một số cán bộ của Bộ Y tế trong vụ này không nhất thiết phải xử lý hình sự. Nghiên cứu vụ án này tôi thấy cơ quan điều tra cũng đã làm rất trách nhiệm. Họ cũng đã kiến nghị đến Bộ Y tế để chỉnh đốn công tác quản lý dược tránh những kẽ hở để bị lợi dụng”- LS Tú cho hay.

Cũng tham gia tố tụng trong vụ án này, LS Nguyễn Đình Hưng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, diễn biến tại phiên tòa một bị cáo đã khai bộ hồ sơ hồ sơ kỹ thuật thuốc H - Capita 500 mg, gồm các giấy tờ được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada được bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) làm giả để hợp thức hóa tiêu chuẩn và chất lượng loại thuốc này đưa lên họ nói không biết.

Vậy cơ quan xét duyệt hồ sơ đó có khả năng biết là giả để vẫn cấp quota hay không, cần phải có kết luận. “Vấn đề này Cơ quan điều tra từng xem xét, họ thấy những người cấp phép rất khó biết đó là hồ sơ giả. Khi trở thành vụ án cơ quan giám định khoa học hình sự vào cuộc mới phát hiện hồ sơ xin cấp quota là giả. Như vậy có thể thấy, mặc dù có hậu quả nhưng khó có thể bắt lỗi những người liên quan đến vấn đề này”- LS Hưng bày tỏ.

Liên quan đến kiến nghị làm rõ số tiền chi “hoa hồng” cấp phép nhập thuốc theo LS Nguyễn Đình Hưng, diễn biến phiên tòa thấy bị cáo khai như vậy nên họ kiến nghị cơ quan chức năng xem xét có việc đó hay không.

Trước đó, sáng 25.8, TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Công ty dược VN Pharma); Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu.

7 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo VN Pharma và các công ty dược bị phạt từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) đến 5 năm tù về các tội Buôn lậu hoặc Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.