Dân Việt

Kết thúc APEC 2017 Cần Thơ: 3 tài liệu quan trọng được thông qua

Huỳnh Xây 25/08/2017 20:08 GMT+7
Trong 8 ngày diễn ra tại Cần Thơ, “Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” đã góp phần quan trọng trong việc cụ thể hoá một số nội dung ưu tiên của APEC 2017.

Chiều nay (25.8), Bộ NNPTNT, Ban Thư ký APEC đã tổ chức buổi họp báo thông tin về kết quả "Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” (gọi tắt là Tuần lễ) thuộc các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn APEC Việt Nam 2017 diễn ra tại TP.Cần Thơ từ ngày 18 đến ngày hôm nay (25.8).

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (bên phải) phát biểu tại buổi họp báo

Theo Bộ NNPTNT, Tuần lễ đã thành công tốt đẹp. Qua đó, đã có 3 tài liệu quan trọng được thông qua. Cụ thể là kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH (gọi tắt là MYAP) 2018 – 2020; kế hoạch hành động thực hiện khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng (gọi tắt là AP); tuyên bố Cần Thơ về tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH.

Tham dự Tuần lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề cập tới sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ giữa các nền kinh tế APEC. Điều này đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

img

Triển lãm nông nghiệp và công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến - Một trong những hoạt động của “Tuần lễ ANLT và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH” tại TP.Cần Thơ

Phó Thủ tướng đề nghị các nền kinh tế thành viên APEC quan tâm một số nội dung như: đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực ANLT, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH; tăng cường nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện cho phát triển thị trường nông sản ở cả phạm vi nội địa và giữa các nền kinh tế APEC. Tăng cường kết nối giữa APEC với ASEAN, với các chương trình thuộc tiểu vùng sông Mê kông.

Ngoài ra, Phó thủ tướng còn đề nghị đẩy mạnh phát triển nông thôn-đô thị, tăng cường mạnh mẽ quan hệ đối tác công-tư, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, quan tâm đúng mức đến đồng bào vùng núi và ven biển, những nơi chịu ảnh hưởng nhiều của BĐKH.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, ở trong nước, ngoài việc đảm bảo nuôi sống gần 100 triệu người dân, đảm bảo sinh kế bền vững cho hơn 67,7% dân số nông thôn, ở phạm vi hợp tác, giao lưu với các nền kinh tế APEC và quốc tế, Việt Nam là vựa nông sản phong phú về chủng loại nên sẽ là một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp, để đảm bảo ANLT và ứng phó với BĐKH của cả cộng đồng APEC và quốc tế thông qua các hoạt động sản xuất, cung ứng và xuất khẩu.

Về chính sách thúc đẩy tăng trưởng chất lượng của nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Thời gian qua, đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực và ưu tiên cao nhất cho công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, tổ chức các chương trình ”Địa chỉ xanh- Nông sản sạch”, hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn”,…”.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết thêm: “Về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành, Bộ NNTNT đã tập trung nhiều nguồn lực đối với các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất như: cơ cấu giống, chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, tái canh cà phê, tưới tiết kiệm... Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên toàn chuỗi (từ trang trại đến bàn ăn), khuyến khích, kêu gọi đầu tư nước ngoài trực tiếp cho nông nghiệp…

Tuần lễ đã diễn ra 17 sự kiện khác nhau, thuộc các cuộc đối thoại cao cấp (2 sự kiện); các cuộc họp thường niên của các nhóm Công tác APEC (5 sự kiện); các hội thảo kỹ thuật chuyên đề (8 sự kiện); triển lãm về nông nghiệp APEC và tham quan thực địa. Cũng trong tuần lễ này, nhiều cuộc họp song phương của các nền kinh tế: Việt Nam, Úc, Mỹ, New Zealands, Peru, FAO, Ngân hàng Thế giới... đã được tổ chức và thu được kết quả tốt.