Văn bản khai nhận di sản thừa kế bị vô hiệu
Liên quan đến vụ việc con dâu “khai tử” bố mẹ chồng để chiếm đất, dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Trương Quốc Hòe – Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc người con dâu (chị Vũ Thị Viễn – PV) làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế với thông tin vợ chồng ông Nguyễn Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An đã mất trong khi vợ chồng ông vẫn còn sống mà công chứng viên vẫn lập văn bản khai nhận di sản thừa kế là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật và văn bản khai nhận di sản thừa kế bị vô hiệu.
Bởi căn cứ theo quy định tại Điều 52, Điều 53 Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng chứng thực thì những người yêu cầu công chứng, chứng thực phải xuất trình di chúc, giấy tờ về quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); Giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản thừa kế (Đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh …); Giấy chứng tử của người để lại di sản...
Luật sư Trương Quốc Hòe
Như vậy, theo quy định trên, việc xác minh hồ sơ khai nhận di sản thừa kế thuộc về công chứng viên thực hiện. Việc công chứng và trách nhiệm niêm yết công khai văn bản khai nhận đều thuộc về Phòng Công chứng số 3 Hà Nội. UBND nơi niêm yết có trách nhiệm bảo quản niêm yết trong thời hạn 30 ngày.
Đối với người yêu cầu công chứng (chị Viễn - PV), theo quy định thì chị này phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, cam đoan và chịu trách nhiệm về việc không bỏ sót người thừa kế theo pháp luật. Chị Viễn cung cấp thông tin vợ chồng ông Hợp đã mất và cam đoan đã cung cấp thông tin đúng sự thật trong khi đó, vợ chồng ông Hợp vẫn còn sống. Vì vậy chị Viễn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đã cung cấp. Điều này có nghĩa là cả công chứng viên, Phòng công chứng số 3 và chị Viễn đều có trách nhiệm đối với việc khai nhận di sản thừa kế.
Vì chị Vũ Thị Viễn đã khai thông tin không trung thực nên nên văn bản khai nhận di sản bị vô hiệu. Ảnh: Đình Việt.
Tuy nhiên, pháp luật trong giai đoạn này chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ về việc cung cấp giấy tờ xác nhận về người thừa kế đã mất, trách nhiệm của UBND cấp xã nơi niêm yết trong việc xác minh lại các thông tin trong văn bản thông báo về việc khai nhận di sản thừa kế nên trách nhiệm chính trong vụ việc này thuộc về chị Viễn do đã đưa thông tin sai sự thật.
Về phía UBND phường Nhật Tân, mặc dù vậy, vợ chồng ông Hợp sinh sống ổn định trên địa bàn nhưng phường lại không nắm được thông tin và không xem xét nội dung thông báo khi thực hiện việc niêm yết cho thấy rằng phường này chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về quản lý hộ tịch trên địa bàn.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trả lời câu hỏi, việc chị Vũ Thị Viễn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thứ 3 dựa trên hồ sơ công chứng có thông tin không đúng sự thật có bị coi là giao dịch vô hiệu hay không và các cá nhân có liên quan trong vụ việc này phải chịu trách nhiệm như thế nào?. Luật sư Hòe cho rằng, tại khoản 4 Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP quy định: “Văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng, chứng thực là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc thực hiện chuyển quyền sở hữu,quyền sử dụng tài sản cho người được hưởng di sản”.
Tuy nhiên, do văn bản khai nhận di sản thừa kế là trái quy định pháp luật nên việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản từ ông Tiến sang chị Viễn bị vô hiệu. Chị Viễn không phải chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất. Vậy nên giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của chị Viễn cho người thứ ba cũng bị vô hiệu.
Vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp hiện vẫn còn sống. Ảnh: Đình Việt.
“Chị Viễn là người cung cấp thông tin sai sự thật về việc vợ chồng ông Hợp đã chết nên trong trường hợp này, chị Viễn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đưa thông tin sai sự thật. Tùy thuộc và hành vi, mức độ vi phạm, chị này có thể phải bồi thường thiệt hại cho người nhận chuyển nhượng tài sản, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản nếu hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự”, Luật sư Hòe phân tích.
Còn về trách nhiệm của công chứng viên và Phòng công chứng số 3, Luật sư Hòe cho rằng, nếu có bằng chứng cụ thể chứng minh công chứng viên cấu kết với người liên quan, vì động cơ vụ lợi trong việc công chứng các giao dịch thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Ngoài ra, công chứng viên còn phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định về xử lý cán bộ, công chức, viên chức.