Dân Việt

Thất bại của bóng đá Việt Nam tại SEA Games dưới thời HLV nội

Kim Điền 27/08/2017 17:40 GMT+7
Có một thực tế rất đau lòng là hơn 1/4 thế kỷ đã qua, trải 14 kỳ SEA Games, chưa có bất kỳ HLV nội nào giúp các đội tuyển bóng đá Việt Nam vượt qua vòng bảng nội dung bóng đá nam tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Năm 1991 là kỳ SEA Games đầu tiên mà bóng đá Việt Nam trở lại với Đại hội thể thao Đông Nam Á. Từ đó đến nay, các đội tuyển bóng đá nam của chúng ta đã 14 lần dự các kỳ SEA Games, trong suốt quãng thời gian 26 năm, chỉ 5 lần chúng ta không thể vượt qua vòng loại.

Tuy nhiên, thực tế rất đau lòng là trong 5 lần bị loại sau vòng bảng, có đến 4 lần các đội tuyển bị loại khi được dẫn dắt bởi các HLV nội (HLV ngoại duy nhất khiến đội tuyển Việt Nam bị loại ở vòng bảng SEA Games là ông Dido, người Brazil).

img

HLV Nguyễn Hữu Thắng tiếp nối chuỗi ngày buồn: HLV nội chưa bao giờ giúp các đội tuyển bóng đá nam qua nổi vòng bảng SEA Games (ảnh: Q.H).

Còn tính về tỷ lệ HLV nội dẫn dắt các đội tuyển bóng đá nam và bị loại ngay vòng bảng thì tỷ lệ này là tuyệt đối: 100% các HLV nội khi dẫn dắt các đội tuyển bóng đá nam quốc gia đều không qua nổi vòng bảng.

Đặc biệt hơn nữa, ở các thời kỳ, dưới sự dẫn dắt của các HLV nội, hầu hết các đội tuyển bóng đá nam bị loại sớm không phải do đội thiếu tài năng. Thậm chí, qua các thế hệ khác nhau, bóng đá Việt Nam luôn sở hữu các tài năng thuộc nhiều lứa khác nhau, nhưng vẫn không qua nổi vòng bảng, khi đội tuyển được nằm dưới quyền huấn luyện của các HLV trong nước.

Cụ thể, năm 1991, đội tuyển Việt Nam khi đó được dẫn dắt bởi HLV lão làng Vũ Văn Tư, được tập hợp hàng loạt ngôi sao của bóng đá trong nước từ nhiều CLB nổi tiếng thời bấy giờ như Quảng Nam Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn, Hải Quan…, cùng nhiều tài năng lớn gồm Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm…

img

U22 Việt Nam tại SEA Games 29 nhận thất bại thuộc vào loại đau đớn nhất lịch sử các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (ảnh: Q.H).

Năm 1991 cũng là kỳ SEA Games đánh dấu một trong những bê bối lớn nhất của bóng đá Việt Nam, khi có tới 11 cầu thủ tự ý bỏ đội tuyển trong thời gian tập trung chuẩn bị cho Đại hội thể thao Đông Nam Á. Nhóm những cầu thủ này sau đó bị kỷ luật nặng.

Đến năm 1993, người dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games là HLV Trần Bình Sự, với thế hệ cầu thủ nổi tiếng khi đó như Lư Đình Tuấn, Hà Vương Ngầu Nại… Bóng đá Việt Nam tiếp tục không qua nổi vòng bảng ở giải này.

Kể từ năm 1995 đến năm 2011, ở 9 kỳ SEA Games liên tiếp, chúng ta dùng HLV ngoại, và gần như có thành tích ngay lập tức. Để lại dấu ấn lớn nhất trong số các HLV ngoại làm việc ở giai đoạn này có các ông Weigang (Đức), Riedl (Áo) và Calisto (Bồ Đào Nha).

Riêng HLV Weigang là người đặt nền móng cho bóng đá Việt Nam gia nhập nhóm các đội mạnh ở Đông Nam Á, với tấm HCB năm 1995, cùng thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Đang, Mạnh Cường…

Ông Riedl là HLV có thâm niên nắm các đội tuyển Việt Nam lâu nhất. Ông 4 lần dự SEA Games cùng đội tuyển Việt Nam các năm 1999, 2003, 2005 và 2007, 3 lần giành HCB các năm 1999, 2003 và 2005.

Đến năm 2013, bóng đá Việt Nam quay lại sử dụng HLV nội. Lúc này, môn bóng đá nam tại SEA Games đã được dành cho lứa U23, và đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Hoàng Văn Phúc bị loại ngay vòng bảng.

Năm 2017, sau 1 kỳ SEA Games dùng HLV ngoại (Miura – Nhật, năm 2015), bóng đá Việt Nam lại sử dụng HLV nội. Tuy nhiên, lực lượng được cho là mạnh nhất khu vực gồm những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Quang Hải… của HLV Nguyễn Hữu Thắng lại nhận thất bại thuộc vào loại đau đớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, tại SEA Games.

Thành tích của đội tuyển bóng đá nam từ năm 1991 đến nay:

1991: HLV Vũ Văn Tư – bị loại sau vòng bảng.

1993: HLV Trần Bình Sự - bị loại sau vòng bảng.

1995: HLV Karl Heinz Weigang (Đức) – HCB.

1997: C. Murphy (Anh) – HCĐ.

1999: Alfred Riedl (Áo) – HCB.

2001: Dido (Brazil) – bị loại sau vòng bảng.

2003: Alfred Riedl (Áo) – HCB.

2005: Alfred Riedl (Áo) – HCB.

2007: Alfred Riedl (Áo) – thua trong trận tranh HCĐ.

2009: Henrique Calisto (Bồ Đào Nha) – HCB.

2011: Falko Goetz (Đức) – thua trong trận tranh HCĐ.

2013: Hoàng Văn Phúc – bị loại sau vòng bảng.

2015: Toshiya Miura (Nhật) – HCĐ.

2017: Nguyễn Hữu Thắng – bị loại sau vòng bảng.