Từ lâu, ca sĩ Khánh Ly đã ấp ủ ước nguyện được tổ chức một đêm nhạc vào đúng dịp mùa thu của Hà Nội. Hơn 5 năm kể từ liveshow đầu tiên đánh dấu sự trở lại của Khánh Ly sau nhiều năm xa xứ, cuối cùng, mong muốn này của bà được thực hiện với liveshow Khánh Ly: 55 năm hát tình ca. Chương trình diễn ra tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội) vào tối 9/9, sau đó sẽ lần lượt ra mắt khán giả tại Huế, TP HCM, Đà Nẵng và Nha Trang.
Chiều 26/8, Khánh Ly tổ chức buổi trà đàm để giới thiệu về đêm nhạc.
Khác với những đêm nhạc trước, trong liveshow lần này, ngoài các ca khúc nhạc Trịnh gắn liền với tên tuổi của bà, Khánh Ly còn biểu diễn thêm những nhạc phẩm của các nhạc sĩ khác mà bà yêu mến như Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Thanh Tùng, Dương Thụ, Phú Quang... Khánh Ly tâm sự, bà yêu hát vô cùng, vì vậy, trong buổi biểu diễn lần này, bà mong muốn được thông qua các ca khúc để trở lại thời thơ ấu, trở về với quê hương, tìm lại những giấc mơ dang dở.
"Quan niệm của tôi là, tôi không cần biết nhạc sĩ này là ai, tôi cần biết bài hát trước đã. Khi tôi hát lên, tôi cảm thấy mình được an ủi trong cơn tuyệt vọng, hay là được reo vui cái nỗi hân hoan trong niềm hạnh phúc. Tôi yêu ca khúc đó. Đó là nhạc, mà nhạc thì không có biên giới. Không thể nói là nhạc này sang, nhạc kia sến. Cho nên 55 năm, như mọi người nói, là một buổi biểu diễn lớn. Nhưng với tôi, buổi biểu diễn nào cũng lớn cả" - Khánh Ly chia sẻ.
Là một người sống trong thời kỳ hoàng kim của nhạc bolero vào những năm trước 1975, nhưng trong đêm nhạc tình ca này lại vắng bóng những ca khúc bolero, Khánh Ly cho biết đây không phải là sở trường của mình. "Tôi từng hát những bài nhạc bolero như "Qua cơn mê", "Ai lên xứ hoa đào"... Là một ca sĩ thì thể điệu nào cũng phải hát được, nhưng hay hay không lại là chuyện khác. Không phải cứ thấy người ta hát hay là mình lại đâm đầu vào. Mà bây giờ khán giả hiểu rằng bolero là một dòng nhạc là sai đó. Bolero chỉ là một điệu hát. Muốn hát bolero thì nó dễ lắm, có thể chuyển một câu hát thành bolero cũng không có gì khó khăn cả".
Nói về trào lưu bolero đang thịnh hành hiện nay, giọng ca "Diễm xưa" cho rằng nó giống như một thứ thời trang, mà người ta đang cố chạy theo mốt. "Dù vậy, thời trang thì dễ thay đổi. Ngày hôm nay mình mặc kiểu này, mai mình sẽ chọn đồ theo kiểu khác. Ở thời của tôi, tôi cũng nghe nhiều ca khúc bolero lắm vì nhạc và lời thời đó rất đẹp, rất hay. Ví dụ như ông Chế Linh làm tôi rung động với "Thành phố buồn" hay Thanh Tuyền cùng "Nỗi buồn hoa phượng". Nói chung, cứ nhắc tới bolero là tôi lại nhớ đến những cái tên vang bóng một thời như Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Giao Linh, Hương Lan... Còn với các ca sĩ trẻ bây giờ, thú thực, từ lúc chồng tôi mất, tôi không còn nghe nhạc nhiều nữa".
Vài năm gần đây, Khánh Ly dành toàn bộ tâm sức cho các công việc thiện nguyện và hát cho khán giả nghe. Bà chia sẻ, từ lúc bắt đầu đi hát tới giờ, chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ để có một cuộc sống sung túc. Nữ ca sĩ chỉ biết hát hết mình để sống với đam mê. "Có người đưa tiền mời mình mình cũng không muốn hát, nhưng có khi chỉ cần một người thật lòng thích giọng hát của tôi, tôi có thể hát hàng giờ".
Suốt ba năm qua, Khánh Ly sống chung với bệnh đau dây thần kinh tọa. Điều này khiến bà đi lại khó khăn hơn. Bà nói vui: "Bây giờ đi hát, tôi thường chỉ đứng một chân thôi đấy" do phải dồn hết sức sang phía chân khỏe để giữ thăng bằng. Là người luôn thích đứng trên sân khấu để hát, nhưng chưa khi nào, bà nghĩ đến việc dừng ca hát vì lý do này.
Khánh Ly tâm sự, giờ bà chỉ mong muốn có sức khỏe để hoàn thành hết những việc còn dang dở. Dù vậy, bà cũng luôn ý thức được rằng "thân phận thì hữu hạn" - giống như câu nói của Trịnh Công Sơn lúc đương thời, nên bà đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho sự ra đi. "Tôi chẳng có điều gì để lại cho các con, ngoại trừ việc chúng chẳng phải lo điều gì cho mẹ hết. Khi nào tôi nhắm mắt, sẽ có người đến đưa đi thiêu. Tôi dặn các con nhập chung tro của mình với chồng, muốn mang ra sông, ra biển hay để sau vườn cũng được, khỏi phải giữ" - nữ ca sĩ bộc bạch.
“Nỗi nhớ luôn trong tôi hàng ngày, hàng giờ. Tôi cảm nhận ngày nào cũng là ngày giỗ của ông Sơn“.