Dân Việt

Học nghề chỉ để... biết

06/10/2011 20:43 GMT+7
(Dân Việt) - Do điều kiện nguồn lực thiếu, trình độ học viên yếu nên hiệu quả từ các chương trình dạy, học nghề của bà con ở huyện nghèo Đồng Văn, Hà Giang vẫn chỉ dừng lại ở việc học cho biết.

Mục tiêu trọng tâm trong việc phát triển kinh tế của huyện Đồng Văn đến năm 2015 là phấn đấu sẽ có 35% lao động nông thôn được đào tạo. Mục tiêu không quá lớn (năm 2011 đã có 20% lao động nông thôn qua đào tạo) nhưng để hoàn thành là cả một vấn đề không đơn giản.

img
Học viên của lớp học xóm Ngải Trồ thực hành lắp ráp thiết bị điện.

Học để “tự cung tự cấp”

Bà Nguyễn Ngọc Anh - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Đồng Văn nêu thực tế: “Các lớp học trồng nấm rơm, trồng hoa… tuy được đào tạo bài bản, học viên học tích cực nhưng vì thiếu đất, thiếu rơm nên hoạt động sản xuất cũng chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu của gia đình là chính mà không thể nhân rộng thành một ngành sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế địa phương được”.

Không riêng các nghề nông nghiệp, ngay cả các lớp dạy nghề điện- lớp học được nhiều học viên đăng ký theo học nhất trong số 12 ngành nghề mà trung tâm dạy cũng vậy. Kết quả tại một lớp học nghề điện dân dụng tại xóm Ngải Trồ (xã Ma Lé) cho chất lượng đầu ra khá cao.

Học viên học rất hăng say, hơn 80% số học viên tốt nghiệp đều biết cách lắp ráp, sửa chữa các thiết bị điện dân dụng. Tuy vậy, chỉ có khoảng 0,2% học viên tìm kiếm được các công việc làm phù hợp từ nghề điện mà mình đã học. Số còn lại quanh quẩn sửa chữa đồ điện cho gia đình và hàng xóm.

Học viên Sùng Lủng Say (dân tộc Mông), lớp trưởng của lớp cho biết: “Mình đi học chủ yếu để cho biết cái nghề thôi. Học rồi về sửa cho nhà và sửa giúp hàng xóm chứ bà con nghèo cả, mở quán cũng chẳng có ai mang ra sửa đâu.

Cái khó bó cái khôn

Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Văn được phê duyệt dạy 12 nghề cơ bản, nhưng chỉ có trang thiết bị phục vụ học của 4 nghề (chiếm khoảng 30%) số còn lại đều phải đi thuê, mướn để dạy.

Bà Trần Thị Hà - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Văn cho biết: “Địa hình của huyện tương đối phức tạp, 70% là đất đá. Trình độ dân trí còn thấp nên nhận thức của người dân về vai trò của học nghề còn nhiều hạn chế. Học xong không thể ứng dụng được nghề vào sản xuất do điều kiện khách quan khiến nhiều học viên nản”.

Tham dự một buổi học của lớp dạy nghề điện cho bà con xóm Ngải Trồ mới thấy hết những khó khăn mà thầy cô nơi đây đang phải đối mặt. Cô Lò Thị Loan - giáo viên của lớp điện dân dụng chia sẻ: “Lớp có 34 học viên, nhưng chưa hôm nào các học viên đi đủ. Vào vụ mùa thì học viên nghỉ rất nhiều, hôm đông nhất cũng chỉ được 2/3 số học viên đến lớp. Trong số đó, có hơn 80% là học viên là nữ”.

Lý giải cho tỷ lệ nữ khá cao này, cô Loan bày tỏ, thực tế, lúc đầu các học viên đến đăng ký là nam, nhưng sau đó vì chồng đi làm thuê lấy tiền nên các cô vợ đành phải đi học thay. 100% các em chưa học hết tiểu học, tiếng phổ thông nghe nói chưa thông, nên các thầy cô giáo phải vừa dạy vừa nhờ người phiên dịch.

Trước những khó khăn chồng chất, trung tâm dạy nghề huyện đã phải linh động dạy nghề lưu động tới tận các bản, cầm tay chỉ việc cho các học viên. Tuy vậy, vì thiếu thiết bị nên hiệu quả dạy nghề chưa cao. Hiện, UBND huyện Đồng Văn đang phải rà soát, định hướng lại công tác dạy nghề để việc hỗ trợ cho bà con thực sự đạt lợi ích mong muốn là “cấy” nghề, tạo việc làm trên cao nguyên đá.