Trên trang cá nhân, thầy Thái Bá Tân chia sẻ rằng mình từng chứng kiến một người ở quê lên Hà Nội kiếm sống đã đầu tư cho hai con, 5 tuổi và 9 tuổi, đi học thêm tiếng Anh, mỗi buổi 120.000 đồng. "Tôi khuyên thôi ngay nhưng không biết họ có nghe không", ông nói.
Theo ông Tân, khi trẻ còn nhỏ, nếu thích, bố mẹ có thể cho con học tiếng Anh cho vui kiểu đùa nghịch bởi trẻ biết rồi sẽ nhanh quên, không nên thuê thầy cô dạy hay vào trường chuyên ngữ bởi như vậy chỉ tốn tiền mà không đem lại lợi ích gì. "Chờ đến lớp 10 thì cho các cháu học nghiêm chỉnh, liên tục cho đến hết phổ thông. Ba năm là đủ", ông Tân viết.
Ông cho rằng, khi trẻ còn nhỏ, nên dành thời gian cho các con vui cười, đọc sách, chơi thể thao thì tốt hơn. Nếu có cho con tiếp xúc với tiếng Anh thì là bố mẹ ở nhà tự dạy và trò chuyện với con bằng ngôn ngữ này nếu có thể.
Ảnh minh họa: South China Morning Post.
Chia sẻ này đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, của cả người trong nghề lẫn các bậc phụ huynh.
Anh Trần Tuấn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), có hai con gái đã du học và đang làm việc tại Australia, cho rằng, đợi trẻ vào cấp 3 mới học tiếng Anh là quá muộn, không phù hợp thực tế. "Hai con tôi sang Singapore du học từ lúc lớp 10, tức là tới giữa cấp 2 các cháu đã thành thạo tiếng Anh rồi. Dù không đi du học, thời nay nếu không cho con học tiếng Anh sớm thì con sẽ bị tụt hậu, yếu kém so với bạn bè", anh Tuấn nói.
Đồng tình với ý kiến này, thành viên mạng Nguyễn Minh Trần chia sẻ, chị rất chăm chỉ học tiếng Anh nhưng vì học muộn nên dù đã sang nước ngoài vài năm vẫn nói ngọng và cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Chị tiếc vì mình không được luyện âm, luyện nghe từ nhỏ.
Một bà mẹ có hai con, một 4 tuổi, một lớp 3 cho rằng, ép con học tiếng Anh từ nhỏ là không tốt nhưng nên cho trẻ làm quen với từ vựng và phát âm từ nhỏ, còn lớn lên thì củng cố ngữ pháp sau. Hiện nay, Bộ giáo dục đã đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy, trẻ được tiếp xúc thường xuyên nên việc bé sẽ quên là không đúng.
Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có những phụ huynh cho rằng, lời khuyên cho trẻ học tiếng Anh muộn của thầy Thái Bá Tân là hợp lý.
Chị Yên Chi (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, lúc con bắt đầu vào tiểu học, chị cho bé đi học thêm tiếng Anh ở một trung tâm khá nổi tiếng, tốn vài chục triệu nhưng vài tháng không thấy hiệu quả. Sau đó, chị cho bé nghỉ và chỉ học theo chương trình ở trường. Tới lúc con lên lớp 11, chị mới cho con học thêm tiếng Anh với thầy giáo nước ngoài và hiện tại, đang học một trường đại học trường quốc tế, cháu có thể nói, viết, giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh.
"Qua thực tế mình thấy, đầu tư cho con học ngoại ngữ từ bé sẽ khá tốn kém để duy trì được môi trường ngôn ngữ cho con khỏi quên. Thay vì vậy, để dành công sức, tiền bạc đó dồn cho con học khi trẻ đã có ý thức và động lực sẽ hiệu quả hơn", chị Chi nói.
Chị Phượng Lê, giáo viên tiếng Anh ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho rằng với môi trường ở Việt Nam hiện nay, nên đợi khi con học cấp 2 mới tập trung đầu tư học ngoại ngữ là tốt nhất. Theo chị, hiện nay, nhiều người đua nhau cho con đi học thêm tiếng Anh từ sớm và sốt sắng khi thấy con mình thua kém ngoại ngữ so với những trẻ khác bằng tuổi. Việc chạy đua này hại nhiều hơn lợi bởi khi lớn lên tiếng Việt trẻ không sõi mà tiếng Anh cũng chẳng rành.
Theo chị, trẻ cấp 1 nên học về đạo đức, cách cư xử, tập thể dục để phát triển thể chất tốt. Từ lớp 6 có thể cho con bắt đầu học tiếng Anh và dù học từ lúc nào thì điều quan trọng nhất là phải đúng phương pháp.