Cử chỉ khuôn mặt của búp bê
Đối với phim về Búp bê, chắc hẳn các bạn từng vô cùng ngạc nhiên về những con búp bê đáng lẽ vô hồn nhưng lại có cử chỉ khuôn mặt giống hệt con người? Lấy ví dụ như sê-ri phim Ma Búp Bê, là một sê-ri phim kinh dị nổi tiếng bậc nhất những năm 2000. Trong phim, Charles Lee Ray với danh xưng Kẻ bóp cổ vùng Lakeshore, là một kẻ giết người hàng loạt đã ám hồn vào một con búp bê cố gắng cướp đoạt linh hồn một cậu bé và sẵn sàng "thủ tiêu" bất kỳ kẻ nào cản đường.
Với thời kỳ công nghệ thông tin như hiện nay, chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng Ma Búp Bê Chucky là một sản phẩm của CGI (Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) bởi những biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt quá đỉnh. Tuy nhiên, thực ra đây lại chỉ là một mánh rất đơn giản của những nhà làm phim Hollywood.
Ban đầu, nhà sản xuất sử dụng một loại cao su siêu dẻo để tạo hình cho khuôn mặt Ma Búp Bê. Chiếc mặt nạ này được thiết kế với các cơ quan chuyên dụng, có thể nhét tay vào bên trong để điều khiển cử chỉ khuôn mặt. Đối với những góc quay cận cảnh, con búp bê cao su này sẽ đảm nhận hoàn toàn vai trò của diễn viên thông qua sự điều khiển của những nhà múa rối chuyên nghiệp.
Ma chui ra khỏi một vật gì đó
Vòng tròn định mệnh là tựa đề tiếng Việt của bộ phim Mỹ có tên The ring. Phân cảnh trên màn hình tivi có một cái giếng và xuất hiện ma nữ đang tiến lại gần, trèo và chui ra khỏi tivi là một trong những khoảnh khắc kinh dị nhất mọi thời đại của lịch sử phim ảnh.
Chắc hẳn, rất nhiều độc giả trẻ đã tự hỏi nhà sản xuất đã làm gì mà có thể khiến một cô gái có thể chui ra từ chiếc tivi một cách tài tình như vậy? Thật ra, mọi thứ rất đơn giản. Ma nữ Samara chỉ chui ra từ chiếc khung tivi mà thôi. Còn lại đều được xử lý bằng đồ họa máy tính. Điều này cũng lý giải cho những bộ phim kinh dị khác, đó là chỉ cần một cái lỗ vừa người chui ra, còn lại tất cả đều sẽ được can thiệp bằng máy tính.
Cảnh bị kéo và quăng quật
Đối với những cảnh bị một thế lực vô hình nào đó kéo lê hoặc quăng quật, có thể hầu hết các khán giả đều đoán ra được là có sự can thiệp của dây buộc cố định.
Thực tế đúng như vậy, những cảnh bay lên và ném vào tường đều là nhờ sự trợ giúp của một hệ thống dây ròng rọc buộc cố định vào diễn viên. Những pha va chạm đổ vỡ đều hoàn toàn thật, không có bất kỳ một sự can thiệp chỉnh sửa nào của kỹ xảo điện ảnh.
Tuy nhiên, đoàn làm phim vẫn phải sử dụng những hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, góc quay chuyển động và cảnh vật tua nhanh nhưng luôn thay đổi sau mỗi lần lia máy lại càng làm cho tín đồ của phim kinh dị phải thót tim.
Cảnh ma vặn vẹo
Những con ma với thân hình vặn vẹo, từng khớp xương khẽ kêu "rắc rắc" có lẽ đã in sâu vào trong tiềm thức của khán giả qua những bộ phim kinh điển như Lời Nguyền Bóng Ma hay mới đây nhất là siêu phẩm bom tấn kinh dị Annabella 2.
Rất nhiều khán giả quá ấn tượng với những cảnh này và cho rằng con người không thể làm được như thế. Sự kinh hãi khiến cho người xem lầm tưởng rằng, những điều ma quái trên màn ảnh đều là sản phẩm của máy tính.
Tuy nhiên, trái ngược với sự tưởng tượng của khán giả rằng những cảnh phim này được trợ giúp bởi công nghệ kỹ xảo điện ảnh tiên tiến, động tác dị thường đó hoàn toàn nhờ vào khả năng diễn xuất của các diễn viên.