Dân Việt

Vì đâu Hoài Linh, Trấn Thành "đại náo" màn ảnh?

Kim Chi 29/08/2017 13:25 GMT+7
Vì lợi nhuận, nhà sản xuất không ngại bỏ tiền tỷ để mời các ngôi sao như Hoài Linh, Việt Hương, Trường Giang, Trấn Thành... "đại náo" màn ảnh.

Từ năm 2014 đến nay, thị trường phim Việt dần sôi động với số lượng đầu ra khoảng 30-50 phim/năm. Nhiều người nhận định thị trường như mảnh đất màu mỡ nên lao vào đầu tư với hy vọng kiếm lãi.

Nhưng thực tế lại khắc nghiệt. NSƯT Nguyễn Chánh Tín nhận định làm phim để kiếm tiền là “giấc mơ hão huyền bởi có nguy cơ sạt nghiệp rất cao”. Ông nói có đến 80% lỗ vốn, 20% còn lại là hòa vốn.

Vậy, sự thật khốc liệt thế nào mà nhiều người một đi không trở lại? Tất cả sẽ được giải đáp trong chuyên đề: Sự thật “ngã ngửa” về phim Việt.

Có người ví von thị trường điện ảnh Việt như mảnh đất màu mỡ, chưa nhiều người khai phá. Nhưng vài năm trở lại đây, nhà nhà người người đổ xô làm phim nên “miếng bánh” bị chia năm xẻ bảy. Tiếp nối chủ đề phim Việt kỳ trước, bài này phân tích cách nhà sản xuất định hướng thị hiếu khán giả thế nào.

Định hướng thị hiếu hay thỏa hiệp để kiếm tiền?

NSƯT Nguyễn Chánh Tín không phải vô cớ phát biểu rằng những nhà đầu tư hiện nay phần lớn đều là “con buôn nghệ thuật”. Nhiều người cho rằng việc đầu tư phim ảnh dễ sinh lời nên nhảy vào cuộc chơi, họ chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận thay vì làm bộ phim đúng nghĩa.

Cũng phải nói qua rằng thị trường điện ảnh Việt rất khó đoán bởi thị hiếu luôn thay đổi thất thường. Những năm điện ảnh bắt đầu phát triển, các nhà làm phim đều trung thành với công thức: phim hài nhảm + ngôi sao phòng vé + kinh phí thấp vì dễ thu lại lợi nhuận.

img

Hoài Linh bị mặc định đóng phim hài nhảm.

Khi làn sóng đạo diễn Việt kiều đổ bộ, ít nhiều đã làm thay đổi cục diện, nhưng vẫn tồn tại nhiều nhà làm phim với tư duy cũ. Không khó để nhận ra, trong số 40 bộ phim phát hành mỗi năm, có đến 2/3 là phim hài nhảm. Vì đơn giản, công thức này vẫn còn áp dụng được cho thị trường.

Vì lợi nhuận, các nhà sản xuất không ngại bỏ tiền tỷ để mời các ngôi sao ăn khách của hài kịch, sân khấu nhằm lôi kéo người xem. Hoài Linh, Việt Hương, Trường Giang, Trấn Thành... "đại náo" màn ảnh với các phim: Nhà có 5 nàng tiên, Quý tử bất đắc dĩ, Thần tiên cũng nổi điên, Tiên nữ không kiêng cử, Trùm cỏ, Già gân mỹ nhân và găng tơ... Phần lớn, các phim này đều bị kêu ca về chất lượng khiến khản giả lắc đầu ngao ngán. Diễn xuất của dàn sao kể trên cũng bị đánh giá "bê sân khấu lên màn ảnh".

Thực tế, không nhà đầu tư nào dám quăng tiền qua cửa sổ. Họ thường tính đến yếu tố lợi nhuận, không dám mạo hiểm với bộ phim có kinh phí lớn. Điều này cho thấy họ đang chạy theo nhu cầu của thị trường, thỏa hiệp với đám đông để tồn tại.

Đáng tiếc, nhóm “con buôn nghệ thuật” lại chiếm lĩnh hơn ½ “chiếc bánh”. Từng xảy ra không ít vụ tranh cãi giữa nhà đầu tư và đạo diễn hoặc diễn viên vì bất hòa trong việc ăn chia.

Nhìn lại năm 2016, số lượng phim Việt bùng nổ với hàng loạt phim như Găng tay đỏ, Truy sát, Điệp vụ chân dài, Vợ ơi em ở đâu, Sứ mệnh trái tim, Vệ sĩ tiểu thư và chàng khờ, Thần tiên cũng nổi điên, Fan cuồng… nhưng tất cả đều thất bại về phòng vé lẫn danh tiếng.

Năm 2017, phim Việt dần khởi sắc với các dự án được kỳ vọng như Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Dạ cổ hoài lang, Lô tô. Nhưng phải đợi đến khi Em chưa 18 ra mắt, phim lập kỷ lục với doanh thu 175 tỷ đồng mới thật sự tác động đến thị trường.

img

Em chưa 18 tạo gáo nước lạnh vào thị trường Việt.

Như vậy, thị trường chia làm 2 trường phái, một là với tư duy làm phim hài nhảm dễ kiếm tiền hoặc mạnh dạn khai thác hướng đi mới để chinh phục khán giả. Không ít nhà làm phim lo ngại văn hóa tiếp nhận của đám đông nên vẫn trung thành với cách làm phim dễ dãi, “rẻ tiền”. Nhưng để chạy theo thị hiếu của công chúng lại tùy thuộc vào vấn đề “hên xui”.

Đạo diễn “triệu đô” Charlie Nguyễn sau cú thất vọng với Fan cuồng mà sâu xa hơn là Để Mai tính, Tèo Em, đã dành thời gian nghiên cứu thị trường. Anh kết hợp với Lê Thanh Sơn – từng thất bại với Bẫy rồng sau đó lui về làm ở lĩnh vực quảng cáo – bắt tay thực hiện Em chưa 18.

Thành công của bộ phim này nằm ở cách tiếp cận khán giả. Họ hướng tới đối tượng trẻ nên mọi thứ đều hiện đại, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của giới trẻ. Ê-kíp làm phim cũng choáng ngợp trước sức hút bất ngờ mà nó mang lại.

Bước đột phá của bộ phim này cho thấy một thực tế khác, cứ làm phim hay thì sẽ không lo thiếu người xem.

Thị trường bị xâu xé vì các nhà đầu tư thế nào?

Việc nhà nhà, người người đổ xô làm phim đã tạo ra sức ép cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư. Tất nhiên, khán giả là người có lợi bởi họ thêm nhiều lựa chọn. Thị trường càng khó khăn, nhà đầu tư càng siết chặt hầu bao hơn nữa.

Sau khi nhiều phim hài nhảm bị chê dữ dội, cùng với cuộc đổ bộ của các tên tuổi mạnh như Charlie Nguyễn, Victor Vũ… các nhà làm phim trong nước cũng chịu khó thay đổi tư duy. Họ hướng đến dòng phim kinh dị vốn còn mới mẻ tại thị trường nội địa. Thế nhưng từ Lời nguyền gia tộc, Bí ẩn song sinh, Hình nhân… đều chưa thành công như mong đợi. Riêng Cô hầu gái thì ê-kíp nước ngoài.

img

Lô tô thành công về mặt danh tiếng nhưng không nhiều lãi.

Đạo diễn Charlie Nguyễn thừa nhận việc làm phim hiện nay thật sự gian nan và rủi ro. “Thị trường phim Việt đang có quá nhiều người làm phim vì tiền. Ngoài việc tìm cách gây chú ý người xem, còn nhiều cuộc chiến không lành mạnh khác”, anh nói.

Vị đạo diễn nổi tiếng cũng khẳng định Em chưa 18 phá vỡ mọi kỷ lục giống như tạt gáo nước lạnh vào thị trường. Anh tin rằng với cách làm phim quyết liệt của bản thân, khán giả sẽ không quay lưng.

Diễn viên kiêm nhà sản xuất Bá Cường vừa nhảy vào sân chơi với dự án đầu tay Hình nhân cũng không giấu được sự lúng túng. Anh cho biết dòng phim kinh dị ở Việt Nam chưa thành công nên muốn khai phá con đường này. Thế nhưng, ngay khi dự án được triển khai đã không được suôn sẻ. Việc cựu ngôi sao TVB Quách Tấn An bỏ vai vào phút cuối khiến ê-kíp lo lắng, phải gấp rút mời Dustin Nguyễn thay thế. Không những vậy, vấn đề kiểm duyệt cũng ảnh hưởng không ít đến chất lượng phim.

“Tôi cũng đã khảo sát thị trường, nghiên cứu thị hiếu khán giả nhưng điều này vẫn còn tùy thuộc vào phận may. Dù công việc sản xuất không dễ dàng, nhưng tôi vẫn tin nếu làm được bộ phim tử tế, công chúng sẽ đón nhận”, anh tâm sự.

img

Tấn Beo tự bỏ vốn xoay sở trong bộ phim đầu tay.

Tấn Beo nhận định người đứng ngoài nhìn vào cuộc nghĩ “dễ ăn” nhưng khi đã bước vào mới nếm trải khó khăn, thậm chí ê chề của công việc đầu tư. Anh chia sẻ sau khi Thám tử Hên-ry gây ấn tượng về doanh thu, nhiều người nhảy vào đầu tư để làm tiếp phần 2.

Nhưng có bao nhiêu tôi làm bấy nhiêu, lời mình ăn lỗ thì chịu. Nếu nhận tiền người ta mà phim không thành công, không thu hồi vốn được thì lúc đó xảy ra chuyện mệt mỏi lắm”, anh bộc bạch.

Đã có 10 năm trong lĩnh vực sản xuất phim, bà Vũ Thị Bích Liên, giám đốc của Mega GS Distribution với thành công của các phim Nhà có 5 nàng tiên, Quý tử bất đắc dĩ chia sẻ mỗi đơn vị đều có mục đích khác nhau. Bà nói hãng phim của mình hướng đến đối tượng bình dân nên thường làm phim giải trí.

Ai cũng nghĩ làm phim dễ ăn, nhưng họ không biết việc mình phải chia 50% doanh thu cho nhà phát hành. Thế nên, nhìn vào nhiều người sẽ bị hoa mắt bởi các con số tiền tỷ, thực tế chỉ thu về 50%. Tôi không có nguồn thu khác nên buộc phải làm phim có lãi, rồi mới có khả năng tái đầu tư cho các dự án lớn hơn”, bà Bích Liên tâm sự.

Vì sao khán giả thờ ơ với phim Việt? Thực tế, nhiều bạn trẻ đến rạp chiếu đều chuộng phim ngoại mà lơ là phim nội. Đây là bài toán khó dành cho các nhà làm phim trong việc thay đổi quan điểm của người xem. Mời độc giả đón đọc bài: Đạo diễn lên phim trường... chỉ để ngủ? vào 13h30 thứ tư (30/8) tại mục Giải trí – Âm nhạc.
Sao Việt bỏ tiền túi làm phim: Mơ hão và nguy cơ sạt nghiệp

NSƯT Nguyễn Chánh Tín nhận định làm phim là giấc mơ hão huyền bởi có đến 80% xảy ra nguy cơ sạt nghiệp, thua lỗ, 20% là...