Như Dân Việt đã đưa tin, nhiều ngày qua, hàng trăm người dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) kéo nhau lên trụ sở UBND xã để gây sức ép với chính quyền về phương án sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc với Trường THCS Phúc Vọng (huyện Quảng Xương).
Hội trường UBND xã Quảng Vọng chật kín người đến dự buổi đối thoại. Ảnh: Hồng Đức
Trước tình hình đó, chiều 28.8, lãnh đạo huyện Quảng Xương đã về đối thoại với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con xung quanh vấn đề này.
Do hội trường của UBND xã Quảng Phúc không đủ sức chứa, nên chính quyền sở tại phải dựng rạp ở ngoài sân và bố trí ghế cho hàng trăm người dân đến dự buổi đối thoại với lãnh đạo huyện.
Bà Hoàng Thị Tuyết, thôn Thanh Minh, xã Quảng Phúc, bức xúc, nói: “Chúng tôi không đồng ý chuyển học sinh trường THCS Quảng Phúc về THCS Quảng Vọng. Chúng tôi phản ứng vì quyết định này chưa được chính quyền địa phương đưa ra bàn bạc. Thứ nữa, Trường THCS Quảng Phúc là ngôi trường mà nhân dân địa phương đã phải đóng góp tiền để xây dựng thành Trường chuẩn quốc gia từ năm 2014. Nay, con em chúng tôi không được học ở ngôi trường này nữa mà phải đi xa gần 5 km thì chúng tôi không đồng ý”.
Bà Hoàng Thị Tuyết, thôn Thanh Minh trình bày những điều bức xúc của mình với hội nghị. Ảnh: Hồng Đức
Ông Trần Văn Tình, ở thôn Thanh Minh (xã Quảng Phúc), nói: “Vấn đề chuyển trường mà huyện và xã đưa ra là không phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Mặc dù huyện và xã cho rằng, khi chuyển các cháu học sinh THCS về xã Quảng Vọng là tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, người dân chúng tôi không được bàn bạc, mà chỉ nghe thông báo rằng "Hội đồng Nhân dân đã thông qua phương án chuyển trường rất đột ngột. Vì vậy chúng tôi không phục”.
Người dân cho rằng, việc sáp nhập trường không được bàn bạc và có sự đồng thuận của bà con. Ảnh: Hồng Đức
Cùng quan điểm với nhiều người dân nêu trên, ông Lê Thế Nhân (thôn Ngọc Đới 2, xã Quảng Phúc), đề nghị: “Người dân Quảng Phúc đề nghị lãnh đạo huyện và các ngành chức năng xem xét để cho các cháu học sinh THCS Quảng Phúc vẫn được học tại trường cũ, không nên sáp nhập với THCS Quảng Vọng. Vì khoảng cách từ xã Quảng Phúc về Trường THCS Quảng Vọng dài hơn 4km, lại phải qua sông bằng một chiếc cầu bê tông rất hẹp. Con em chúng tôi, đặc biệt là các cháu lớp 6, nhiều cháu rất bé, nếu để các cháu tự mình đi đến trường học với cự ly xa như vậy, thì chúng tôi không yên tâm, mà cần phải có bố hoặc mẹ đưa đi. Trong khi đó, nghề chính của bà con ở Quảng Phúc là làm lúa và trồng cói, nên cuộc sống rất khó khăn. Nếu chúng tôi phải chia một người ra để đưa con đến trường vì xa xôi như vậy, công việc đồng áng sẽ không có ai làm. Chúng tôi đề nghị cấp trên giữ lại trường THCS Quảng Phúc. Nếu vì số lượng học sinh không đủ theo số lượng quy định của Nhà nước, thì chúng tôi đề nghị ghép trường Tiểu học về trường THCS làm một, rồi dành cơ sở vật chất trường Tiểu học để làm trụ sở UBND xã”.
Người dân đề nghị không sáp nhập trường THCS Quảng Phúc về THCS Quảng Vọng. Ảnh: Hồng Đức
Ông Nguyễn Văn Chính - Bí thư Huyện ủy Quảng Xương đề nghị tạm hoãn việc sáp nhập trường khi người dân chưa đồng thuận. Ảnh: Hồng Đức
Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân xã Quảng Phúc, ông Nguyễn Văn Chính – Bí thư Huyện ủy Quảng Xương đã giải thích rõ những chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc sáp nhập trường học. Tuy nhiên, người dân Quảng Phúc vẫn phản đối, vẫn yêu cầu chính quyền chấp nhận việc không sáp nhập trường.
Trong khi đó, tại xã Quảng Vọng, Trường THCS Vọng Phúc đang chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Hồng Đức
Ông Chính nói: “Trong quá trình giải quyết vấn đề sáp nhập trường và để xảy ra việc bà con phải mất thời gian, cũng như chúng tôi phải về đây hôm nay để đối thoại với bà con là điều đáng tiếc. Trước hết, thay mặt cho lãnh đạo huyện, tôi xin chịu trách nhiệm về việc này. Hôm nay, sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Chúng tôi hứa với bà con, sẽ chỉ đạo các ngành chức năng liên quan về Quảng Phúc thanh, kiểm tra những vấn đề liên quan đến sai phạm đất đai. Ai sai đến đâu, sẽ xử lý nghiêm. Còn vấn đề sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc về Ttrường THCS Quảng Vọng, với mục tiêu của huyện và xã là làm tốt cho nhân dân, mà bà con không đồng thuận, thì huyện sẽ đồng ý với bà con. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng và ngành giáo dục tạm hoãn quyết định sáp nhập trường lại, đợi khi nào bà con đồng thuận, thì huyện sẽ tiếp tục làm”.
Sau khi nghe ông Chính kết luận như vậy, đa số người dân xã Quảng Phúc đã đồng thuận và vỗ tay kết thúc buổi đối thoại.