Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng các tướng lĩnh thảo luận kế hoạch quân sự.
Lý do mà Bộ trưởng Onodera đưa ra là vì tên lửa này không gây ra mối đe dọa về thiệt hại cho nước này.
Phát biểu với báo giới, ông Onodera cho hay: “Những radar của các lực lượng phòng vệ đã theo dõi đường bay của tên lửa, nhưng do không có mối đe dọa về thiệt hại, chúng tôi quyết định không bắn hạ tên lửa này”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng khẳng định tên lửa nói trên là “mối đe dọa nghiêm trọng chưa bao giờ có”. Ông nhấn mạnh: “Điều này đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực, và là sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 29.8 cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua lãnh thổ nước này là một "mối đe dọa nghiêm trọng, chưa từng có". Phát biểu với phóng viên, ông Abe cho hay hành động phóng tên lửa ngang qua Nhật Bản là một mối đe dọa nghiêm trọng, chưa từng có và phá hoại hòa bình và an ninh khu vực. Ngoài ra, ông cũng cho biết sẽ đề nghị Liên hợp quốc tăng cường sức ép đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia do Thủ tướng Abe chủ trì, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng cần gây sức ép hơn nữa đối với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa vào sáng 29.8. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tin rằng những quan ngại liên quan tới an ninh quốc gia Nhật Bản đã gia tăng sau hành động của Triều Tiên. Ông Onodera cho biết Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiến hành phân tích tên lửa của Triều Tiên, bao gồm độ cao của nó.
Cùng ngày Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí gia tăng sức ép đối với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc điện đàm kéo dài 40 phút với Tổng thống Trump, ông Abe cho hay: "Chúng ta cần ngay lập tức tiến hành họp khẩn tại Liên hợp quốc, và gia tăng thêm sức ép nhằm vào Triều Tiên. Nhật Bản và Triều Tiên hoàn toàn đồng thuận về việc tăng sức ép". Theo Thủ tướng Abe, nhà lãnh đạo Mỹ đã khẳng định "100% ở bên Nhật Bản" và cam kết mạnh mẽ đối với quốc phòng của Tokyo. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết tên lửa Triều Tiên được bắn bay qua phía Bắc Nhật Bản có thể giống với loại tên lửa đạn tầm trung Hwasong-12 mà Bình Nhưỡng bắn hồi tháng 5, cùng loại mà Triều Tiên đe dọa sẽ phóng tới đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ông Onodera cho biết "tên lửa này đạt độ cao 550km" và vỡ thành 3 mảnh trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Các quan chức quân đội hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí đáp trả mạnh mẽ vụ Triều Tiên phóng tên lửa vào sáng 29/8, trong đó có thể có các biện pháp quân sự chưa được xác định. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn quân đội nước này cho biết, các chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc và Mỹ đã điện đàm và nhất trí "sẽ có các biện pháp đáp trả vào thời điểm sớm nhất có thể để thể hiện ý chí mạnh mẽ của liên minh, trong đó có các biện pháp quân sự".
Hiện chưa liên lạc được với Văn phòng Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ở Seoul để xác định thông tin trên.
Bên cạnh đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hiện chưa có kế hoạch tức thì về việc thay đổi các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ đang diễn ra.