Phát biểu tại hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng cho biết, kể từ khi UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá theo Quyết định 7068 ngày 29 tháng 8 năm 2012 (sau này được thay thế bằng Quyết định 47/QĐ-UBND ngày12.12.2014) đến nay, số lượng tàu cá đóng mới của Đà Nẵng tăng đáng kể qua từng năm, cho thấy được tính hiệu quả, thiết thực của nội dung chính sách đã tác động trực tiếp đến bà con ngư dân thành phố.
Chính sách đã phần nào làm thay đổi cơ cấu đội tàu khai thác hải sản xa bờ của thành phố, ngày càng lớn hơn, hiện đại hơn, nhanh chóng đạt được mục tiêu định hướng phát triển của ngành đến năm 2020 theo nội dung Quyết định 8918 của UBND TP.Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Đỗ Tám phát biểu tại hội thảo (ảnh Đình Thiên)
Bên cạnh các chính sách riêng biệt, Đà Nẵng còn tranh thủ các chính sách hỗ trợ của trung ương. Những chính sách này đã tác động tích cực đến hoạt động khai thác hải sản và đời sống kinh tế của ngư dân TP.Đà Nẵng. Tính từ năm 2010 đến nay, số lượng tàu cá 90CV trở lên và công suất bình quân tàu tăng rõ rệt. Số tàu 90CVtrở lên năm 2010 có 152 chiếc, công suất bình quân 41,72CV/chiếc, đến tháng 4 năm 2017 tàu 90CV trở lên tăng 331 tàu, công suất bình quân 214.5CV/chiếc, ông Tám cho biết.
Cũng theo Phó giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng, rất vui mừng khi ngư dân Đà Nẵng có xu hướng chuyển sang hoạt động các nghề khai thác xa bờ để được hưởng hỗ trợ như nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới rê khơi, nghề lưới vây khơi, nghề câu khơi, chụp mực khơi, rê chuồn đây là các nghề mang tính bền vững đối với môi trường, nguồn lợi hải sản.
Hiện nay, ngư dân đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khắn. Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với hộ ngư dân đánh bắt trên ngư trường của Việt Nam bị tàu nước ngoài đâm va, xua đuổi, bắt giữ, hỗ trợ chi phí lai dắt tàu cá bị nạn vào bờ, chi phí trục vớt, hỗ trợ chi phí sửa chữa, khôi phục ngư cụ bị mất hư hỏng do tàu nước ngoài gây ra.
Cần có chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa để động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển khai thác hải sản, kết hợp với tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa Việt Nam" - ông Tám nói.