Thời gian qua, liên tục trên các bệnh viện, cơ sở y tế khắp cả nước xảy ra những vụ hành hung y, bác sĩ và nhân viên y tế khiến dư luận bất bình. Gần đây nhất, tại Bệnh viện 115 Nghệ An, một giám đốc doanh nghiệp đã tấn công bác sỹ Hoàng Thị Minh khiến nhiều người phẫn nộ. Vì sao trình trạng nhân viên y tế bị tấn công lại gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ? Lý giải hành vi này dưới góc nhìn tâm lý và tội phạm ra sao? Làm gì để hạn chế vấn nạn này? Để cụ thể hóa các nội dung trên, chiều 29.8, Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Ai bảo vệ nhân viên y tế?” Buổi tọa đàm có sự tham dự của: 1. Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa. 2. PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương 3. Chuyên gia tâm lý học Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội 4. Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) |
Độc giả có email hoangvu20122003…@gmail.com hỏi: Ông Lê Thanh Hải có suy nghĩ như thế nào về việc gần đây liên tiếp xảy ra những sự cố nhân viên y tế bị hành hung?
4 vị khách mời của chương trình chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức.
PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời: Những sự cố gần đây như hành hung, lăng mạ bác sỹ, điều dưỡng được gọi là bạo lực nơi làm việc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức lao động Thế giới, thì bạo lực nơi làm việc “Là những rủi ro mà nhân viên làm việc bị lạm dụng, đe dọa hoặc bị tấn công trong những hoàn cảnh liên quan đến nghề nghiệp của họ, nó xuất phát hoặc tác động đến công việc, bao gồm một nguy cơ rõ ràng hay tiềm tàng tới an toàn, hạnh phúc hoặc sức khỏe”. Bạo lực gồm có bạo lực thể chất (như là đấm, đá, xô đẩy, đạp, véo, sử dụng dao, súng,...) và bạo lực phi thể chất (lời nói chửi, đe dọa, lăng mạ...
Bạn đọc tên Minh (thành phố Bắc Giang) có hỏi: Phía Bộ Y tế, ông Khoa nghĩ thế nào về việc nhân viên y tế thuộc Bộ liên tiếp bị đánh?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Theo tôi, để xảy ra tình trạng này xuất phát từ một số nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất do bản thân người gây bạo hành có thể đang ở trong trạng thái bị kích động hoặc sau khi sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc bị kích động do một số yếu tố nào đấy.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Cũng có thể, người gây bạo hành có thể thiếu thông tin và thường hiểu lầm những hành vi của nhân viên y tế và cho rằng nhân viên y tế không quan tâm, không kịp thời hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong việc xử lý cấp cứu, xử lý người bệnh.
Nguyên nhân thứ hai, theo tôi là mang tính khách quan, ở một số vị trí làm việc, khu vực cấp cứu, khu vực điều trị bệnh nhi hoặc bệnh nhân tâm thần thì khả năng xảy ra bạo hành cao hơn.
Nguyên nhân thứ ba, có thể do nhân viên y tế mải tập trung làm chuyên môn, thiếu quan sát, để ý và nhận diện dấu hiệu chuẩn bị bạo hành nơi đối tượng.
Tôi cũng đang lo lắng, một nhóm nguyên nhân nữa là tình trạng nhiều thông tin về sự cố y khoa, mặt trái của ngành y tế trong đó có những thông tin thất thiệt, không đúng bản chất sự việc đã gây bức xúc cho dư luận và tạo "tâm lý đám đông" từ đó hình thành định kiến không tốt với nhân viên y tế.
Độc giả có số điện thoại 0913.244.3xx: Ông nhận định thế nào về tình trạng bệnh nhân và người nhà ngày càng hung hãn, tấn công lại chính người đang và sẽ cứu chữa cho mình? Liệu có nguyên nhân nào từ nhân viên y tế?
Chuyên gia Trịnh Hòa Bình: Xã hội thế nào thì y tế thế đấy. Y tế phản ánh xã hội mà thôi. Có hàng loạt những vấn đề của xã hội đang phản chiếu trong y tế. Xung đột, hiểu lầm trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế của các cơ sở khám chữa bệnh nơi này hay nơi khác là hình ảnh thu nhỏ những xung đột, áp lực của xu hướng bất an trong xã hội hiện thời.
Những bạo lực từ người nhà bệnh nhân và những người có liên quan gây cho các nhân viên y tế không phải bây giờ mới. Có chăng bây giờ quy mô, mức độ đậm đặc hơn. Nó dấy lên tình trạng đáng quan ngại.
Cụ thể, chúng ta vẫn phải nói rằng trong quá trình cung cấp dịch vụ như vậy, chuyện hài lòng hay không, những hiểu lầm đâu đó có thể nói rằng rất nhiều (mối quan hệ giữa thầy thuốc, nhân viên y tế với người bệnh, người nhà bệnh nhân vốn dĩ hàm chứa rất nhiều sự hiểu lầm)…
Dù thế nào đi chăng nữa, ở đây, vẫn có những nguyên nhân xuất phát từ bất cập của quá trình cung cấp dịch vụ. Cho dù phía cung cấp luôn luôn muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất. Nhưng thực tế không dễ làm được. Có thể nói rằng, có quá nhiều áp lực, căng thẳng của con người, người ta đã đưa vào trong bệnh viện, làm tăng thêm sự hiểu lầm.
Độc giả tên Trung (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) hỏi: Trung tá Hiếu có suy nghĩ gì khi xem những hình ảnh nhân viên y tế bị đánh đập thưa anh?
Trung tá Đào Trung Hiếu
Bạn tôi làm ngành y khá nhiều, họ chia sẻ ngoài áp lực công việc, nguy cơ bị phơi nhiễm, lây bệnh từ bệnh nhân, nguy cơ bị kiện cáo do những sự cố, trục trặc về chuyên môn, thì những lời hăm dọa từ phía gia đình bệnh nhân, thường khiến họ bị stress, trầm cảm, cảm giác bị xúc phạm, nhục mạ và đe dọa khiến họ luôn phải làm việc trong trạng thái bất an, chán nản.
Không ai có thể làm tốt công việc khi bị đối xử tệ bạc bởi chính đối tượng phục vụ của mình. Đó có thể là lý do xảy ra tai biến y khoa. Tôi cho rằng bạo lực gia tăng trong lĩnh vực y tế, đồng nghĩa với việc người bệnh tự đẩy chất lượng y tế đi xuống. Hãy hình dung, nếu một bác sĩ bước vào phòng phẫu thuật với một tâm trí ám ảnh bởi câu "dọa giết cả nhà", một bàn tay run rẩy vì sợ hãi, liệu bàn tay, đường dao mổ của họ còn chính xác nữa không?
Hậu quả sẽ chính là tính mạng người bệnh. Chưa hết, khi y bác sĩ bị một bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lăng mạ, chửi bới hay hành hung, đương nhiên họ sẽ phải “phòng thủ” trong chuyên môn, nhiều bệnh nhân khác sẽ bị ảnh hưởng, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt. Vì hiểu tính chất công việc của họ, nên tôi hoàn toàn chia sẻ với y bác sỹ về những áp lực trong công việc, những nguy cơ mà họ phải đối diện. Đồng thời lên án mạnh những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.
Bạn đọc có email: tuan1980bktv@gmail.com hỏi: Có vụ việc hành hung bác sỹ nào bị xử lý hình sự không, thưa ông Khoa?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Sự việc tại Bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội), đương sự bị xử 9 tháng tù giam. Sự việc bác sỹ Phạm Đức Giàu bị đâm tử vong thì đối tượng bị xử tù chung thân. Về cơ quan pháp luật, những vụ việc hành hung nhân viên y tế đã bị xử lý nghiêm khắc và đúng quy định hình sự. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, hành vi bạo hành với nhân viên y tế, hình phạt phải bị tăng nặng vì nhân viên y tế lúc xảy ra bạo hành, họ không có khả năng tự vệ và cũng không cho phép họ tự vệ.
Tôi biết có y, bác sỹ, nhân viên y tế thậm chí là võ sư đai đen nhưng trong tình huống bị tấn công thì họ không tấn công lại mà chỉ chủ động gạt, đỡ mà thôi.
Giải pháp hạn chế tình trạng tấn công nhân viên y tế là cần nhanh chóng thiết lập điều kiện cơ sở hạ tầng bảo vệ cho nhân viên như cửa có khóa từ để hạn chế sự tiếp cận của người nhà bệnh nhân ở một số khu vực nhất định nơi phòng cấp cứu hay khu điều trú nội trú không để ra vào tự do, khó kiểm soát. Chúng ta cũng cần phải chuyên nghiệp hóa lực lượng bảo vệ, đào tạo kỹ năng, trang bị một số phương tiện nhất định chống bạo hành và có sự phối hợp với công an sở tại.
PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viên Nhi Trung ương
Bạn đọc tên Hoàng (Bắc Ninh) hỏi: Là một giám đốc, ông Hải có suy nghĩ như thế nào về việc gần đây xuất hiện những sự cố đáng tiếc như trên?
Ông Lê Thanh Hải trả lời: Những sự cố gần đây như là hành hung, lăng mạ bác sỹ, điều dưỡng được gọi là bạo lực nơi làm việc. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức lao động thế giới thì bạo lực nơi làm việc “Là những rủi ro mà nhân viên làm việc bị lạm dụng, đe dọa hoặc bị tấn công trong những hoàn cảnh liên quan đến nghề nghiệp của họ, nó xuất phát hoặc tác động đến công việc, bao gồm một nguy cơ rõ ràng hay tiềm tàng tới an toàn, hạnh phúc hoặc sức khỏe”. Bạo lực gồm có bạo lực thể chất (như là đấm, đá, xô đẩy, đạp, véo, sử dụng dao, súng,...) và bạo lực phi thể chất (lời nói chửi, đe dọa, lăng mạ,....).
PGS.TS Lê Thanh Hải: Bạo lực ở cán bộ y tế do nhân viên y tế đến từ 3 phía: Thứ nhất, do người bệnh, người nhà bệnh nhân: Dễ bị mắc stress (do phải chịu đựng đau đớn, hay lo lắng tình trạng bệnh, cảm giác bất lực trước tình trạng bệnh), cũng có thể họ bị tác động với thuốc, hoặc rượu, ma túy. Ở một trạng thái mỗi người túng quẫn nhân cách, phẩm giá và trở lên bị phụ thuộc vào người khác về chăm sóc, có thể là nguyên nhân họ bị áp lực dẫn tới sự hung hăng. Thêm vào đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng là yếu tố gây lên tình trạng bạo lực. Do cán bộ y tế: Quá tải bệnh nhân là thường gặp ở tuyến trung ương. Cán bộ y tế stress do quá tải công việc, do tiếng ồn, do áp lực đòi hỏi hay yêu cầu của bệnh nhân. Những trạng thái căng thẳng có thể làm cán bộ y tế có những lời nói thiếu chuẩn mực như là gắt gỏng, nói to, lạnh nhạt, thờ ơ với bệnh nhân. Người bệnh, gia đình người bệnh cảm thấy thiếu được tôn trọng và có thể kích thích hàng vi bạo lực xảy ra (chửi, đe dọa, thậm chí đánh đập). Do yếu tố bảo vệ: Y tế cũng như dịch vụ xã hội khác đều cần đến khách hàng, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, mỗi bệnh viện, dư luận hay báo chí thường chỉ trích nhân viên y tế, nhưng thường ít khi bảo vệ họ. Bản thân cán bộ y tế thường phải vất vả học hành, phấn đấu trong nhiều năm để có được công việc ổn định, họ rất sợ bị mất việc, khi xảy ra một sự cố gì họ thường sợ bị mất việc. Do vậy, chúng tôi cũng đã tiến hành nghiên cứu cho thấy rất nhiều trường hợp, cán bộ y tế bị bạo lực, nhưng họ giữ thái độ im lặng, và điều đó làm khiến họ là đối tượng dễ có nguy cơ bị bạo lực.
Mặt khác yếu tố luật pháp là chưa nghiêm minh đối với các trường hợp bạo lực tại bệnh viện. Nhiều bệnh viện nhân viên bảo vệ không có, hoặc không làm tốt nhiệm vụ cũng là yếu tố thuận lợi cho bạo lực xảy ra.
Bạn đọc tên Quân (Hải Phòng) hỏi trung tá Đào Trung Hiếu: Là võ sư, chuyên gia tội phạm học và từng là một trinh sát hình sự trước khi là nhà văn, nhà báo, lời khuyên và kinh nghiệm của anh dành cho các y, bác sỹ khi phải đối diện với hiểm nguy?
Toàn cảnh giao lưu trực tuyến. Ảnh: Đàm Duy
Trung tá Đào Trung Hiếu trả lời: Qua nghiên cứu các vụ hành hung y bác sỹ, thấy bạo lực diễn ra rất nhanh, tức thời. Do đó, khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân, với những tình huống bệnh lý phức tạp (bệnh nhân nguy kịch, biến chứng xấu…) các y bác sỹ cần có sự cảnh giác đề phòng, nên giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc quá gần. Nếu thấy câu chuyện diễn biến theo chiều hướng căng thẳng, nảy sinh cãi vã, đôi co, nhân viên y tế cần mềm mỏng lắng nghe rồi tìm cách rời đi, không đứng lại tranh luận đúng sai.
Tình huống bạo lực phát sinh, xô đẩy, nhân viên y tế (người liên quan trực tiếp đến vụ việc) cần thoát ly ngay khỏi đám xung đột. Có thể bỏ chạy hoặc lấy lý do hợp lý rời đi;
Những nhân viên y tế khác (không liên quan đến vụ việc) cần khẩn trương bấm chuông báo động hoặc gọi lực lượng bảo vệ đến xử lý, đưa kẻ quá khích ra ngoài. Nếu tương quan lực lượng đông hơn, có thể xúm vào can ngăn, mềm mỏng phân tích thiệt hơn để đối tượng “hạ hỏa”. Cần chú ý kỹ năng giao tiếp lúc này, chú ý lắng nghe vấn đề của gia đình bệnh nhân, hứa hẹn giải quyết để hạ nhiệt.
Thưa PGS.TS Lê Thanh Hải, tại Bệnh viện Nhi trung ương đã có trường hợp nào người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ chưa, thưa ông?
PGS.TS Lê Thanh Hải trả lời: Bạo lực ở cán bộ y tế do người nhà bệnh nhân theo nhiều nghiên cứu là khá phổ biến. Nghiên cứu tại Mỹ, Úc cho thấy đa phần điều dưỡng bị bạo lực nơi làm việc chiếm đến vài chục phần trăm. Bạo lực lời nói thì hầu hết điều dưỡng viên đã từng bị. Bạo lực thể chất chiếm tỷ lệ thấp hơn.
Khoảng 9,5% điều dưỡng làm việc tại các bệnh viện đa khoa tại Anh Quốc bị tấn công ít nhất 1 lần/năm. Điều này bao gồm bị tấn công bị hoặc không bị thương tích. Nghiên cứu tại New Zealand cho thấy 29% điều dưỡng bị tấn công nhưng không cần phải can thiệp y tế, 4% yêu cầu có sự can thiệp y tế sau đó. Tại Úc, nghiên cứu của Roche và cộng sự (2010) có tới 50% nhận thức bạo lực thể chất. Nghiên cứu tại Tasmanian lập danh sách các loại tấn công, ghi nhận 69,3% bị đánh đập bằng tay, đấm hoặc khuỷu tay và 46,1% bị xô đẩy hoặc kéo, bị cào,cào, đá, kéo tóc. Nghiên cứu tại miền tây nước Úc, 69% điều dưỡng ghi nhận BLNLV bị đe dọa và 52% tấn công thể chất trong khoảng thời gian 12 tháng.
Trong nghiên cứu tại Ireland còn đề cập đến đe dọa hung hãn thể chất với 54,3% trong tháng qua. Bạo lực thể chất nhẹ là 22,9% và bạo lực thể chất nghiêm trọng chiếm 2,8% điều dưỡng viên. Một dạng bạo lực khác được đề cập trong nghiên cứu tại Ireland được cân nhắc về thể chất, hành vi hung hăng phá phách với 45,7% điều dưỡng viên ghi nhận. Opie và cộng sự (2010) nghiên cứu tại Úc có 28,6% ĐDV từng bị bạo lực thể chất trong vòng 12 tháng, nghiên cứu này không phân biệt loại hoặc mức độ trầm trọng của bạo lực.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2017, chúng tôi cũng đã tiến hành nghiên cứu cho thấy 69,7% điều dưỡng từng bị bạo lực lời nói; 32,6% từng bị bạo lực về thể chất. Các trường hợp bạo lực thể chất được ghi nhận phổ biến là xô đẩy, cào cấu, phá phách. Một số trường hợp bạo lực như là đấm đá thậm chí cầm dao vào bệnh viện đe dọa và hành hung cán bộ y tế. Cụ thể đã từng xảy ra tại Khoa Cấp cứu chống độc mà báo chí đã có dịp nêu lên vào năm ngoái (2016).
Ông đánh giá thế nào về tâm lý của bệnh nhân và hậu quả của hành vi tấn công, miệt thị nhân viên y tế?
Chuyên gia Trịnh Hòa Bình: Tâm lý của bệnh nhân khi đến với các cơ sở y tế khám chữa bệnh bao giờ cũng mong muốn là được khám và chữa lành bệnh, được cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất. Đương nhiên, những đòi hỏi đó có lúc vượt quá tình hình, khả năng của phía cung cấp. Những mâu thuẫn nảy sinh về phương diện tâm lý giữa người bệnh và thầy thuốc đôi khi lại còn bị can thiệp bởi người nhà bệnh nhân rất nhiều.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình
Đó thể nói đây là mối quan hệ rất phức tạp. Chính vì xuất phát từ mong muốn được cung cấp dịch vụ tốt nhất nên đôi lúc người thân/ người nhà bệnh nhân nóng vội, đánh giá sai về thái độ, hành vi và chuyên môn của thầy thuốc. (Đây lại là điều cấm kị). Chính vì vậy, việc hài lòng hay không khi được cung cấp dịch vụ có thể dẫn tới mâu thuẫn. Đặc biệt là tâm lý nôn nóng, chủ quan từ phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có thể dẫn đến việc hiểu sai lệch, thậm chí miệt thị, tấn công nhân viên y tế. Những thiệt hại nảy sinh từ các hành vi đó có thể kể ra rất nhiều, đe dọa chính ngay chất lượng điều trị, khám chữa bệnh hoặc đẩy người thầy thuốc, nhân viên y tế vào áp lực rất căng thẳng, có thể đe dọa việc thực hành khám chữa bệnh có chất lượng hay không.
Nguy hiểm hơn, hành vi bạo lực có thể gây nguy hiểm tới sự an toàn của thầy thuốc, phá hoại bầu không khí làm việc của cơ sở y tế.
Cnhững vụ việc có thể dẫn tới phá hoại cơ sở y tế, những trang thiết bị y tế
Tựu chung lại, các hành vi bạo lực làm xấu đi quan hệ của phía cung cấp dịch vụ (bác sĩ và nhân viên y tế) với người bệnh/ người nhà người bệnh.
Bạn đọc tên Hoàng (Hà Đông, Hà Nội) hỏi PGS.TS Lê Thanh Hải: Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận bao nhiêu bệnh nhân và liệu có ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh, thưa PGS.TS Lê Thanh Hải?
PGS.TS Lê Thanh Hải trả lời: Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.200 đến 3.500 bệnh nhi đến khám. Cá biệt có ngày số lượng đến 4,500 bệnh nhi kèm theo 4.000 đến 6.000 người nhà đi cùng. Cùng hơn 1.500 bệnh nhân nội trú.
Nhiều năm được sự quan tâm của ngành y tế, bệnh viện đã được đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực. Tuy vậy, với nhu cầu khám bệnh ngày càng tăng thì việc đáp ứng cơ sở vật chất, nhân lực là không thể thực hiện ngày một ngày hai.
Nếu tính riêng tại phòng khám, mỗi ngày, mỗi bác sỹ phải khám mỗi ngày từ 60 – 100 bệnh nhân. Mỗi điều dưỡng phải tiếp nhận, chỉ dẫn và trả lời hàng trăm người nhà người bệnh.
Tại khu vực cấp cứu, nội trú mỗi bác sỹ, phải điều trị khoảng 10 ca-20 ca, mỗi điều dưỡng phải chăm sóc 20-30 ca.
Số lượng ca khám, chữa bệnh trên mỗi đầu người còn phụ thuộc vào mùa, dịch bệnh bùng phát, vào các ngày trong tuần. Do vậy, áp lực rất lớn công việc lên cán bộ y tế trong việc đáp ứng nhu cầu, khám chữa bệnh.
Dịch vụ y tế là một dịch vụ rất khó chủ động trong việc sắp xếp nguồn lực, để cung cấp dịch vụ cho người dân, do vậy đây là một bài toán đang cần sự nỗ lực không chỉ riêng bệnh viện.
Do áp lực công việc lên mỗi cán bộ là rất lớn, hàng năm khám chữa bệnh cho cán bộ phát hiện khoảng 10% cán bộ y tế có biểu hiện rối loạn tâm thần (lo âu, trầm cảm,...), nhiều trường hợp phải nghỉ làm, một số trường hợp chuyển nơi làm việc đã được báo cáo.
Bạn đọc có số điện thoại 0936699.787 hỏi: Nhiều nhân viên y tế cho rằng họ chưa được bảo vệ, thậm chí họ không dám chống trả vì đạo đức nghề y vì chỉ cần mắng lại là có thể bị lãnh đạo bệnh viện kỷ luật, bị phạt. Ông Khoa nghĩ sao?
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa: Khi xảy ra bạo hành với nhân viên y tế thì ứng xử phù hợp nhất lúc đó không phải đôi co hoặc là có những hành vi phản ứng lại người bạo hành.
Tôi nghĩ, hành vi phù hợp nhất vẫn là phải tìm cách thoát khỏi tình huống đó. Như vậy cũng không có nghĩa là họ đang đơn độc và không được bảo vệ.
Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan công an địa phương tăng cường phối hợp với các cơ cơ sở y tế trong việc xử lý các vụ việc. Thực hiện điều tra xử lý các đối tượng gây bạo hành và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có. Tiếp tục chỉ đạo công an địa phương thực hiện nội quy, quy chế nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân đến khám chữa bệnh. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật nhằm đảm bảo an ninh, bảo vệ tại bệnh viện. Thực hiện cắt cử cán bộ tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có đông người khám. Đặc biệt phải thiết lập các đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an nơi gần nhất cho bệnh viện.
Đó là nhưng biện pháp theo tôi nghĩ là rất cần.
Bạn đọc có email: duykhang55xx@gmail.com hỏi trung tá Đào Trung Hiếu: Nếu trong trường hợp cư xử mềm dẻo mà vẫn bị tấn công, theo anh, ngay lúc đó, nạn nhân cần phải tự vệ và tránh bị thương tích bằng cách nào?
Trung tá Đào Trung Hiếu trả lời: Tình huống bị tấn công, theo kinh nghiệm từng là một người lính hình sự thì tôi nghĩ tuyệt đối không đứng im để đối tượng hành hung mình.
Trong trường hợp xác định không thể chạy được, hãy nhớ bộ luật hình sự đã quy định về quyền phòng vệ chính đáng, nghĩa là được phép chống trả một cách cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi tấn công, để bảo vệ mình và đồng nghiệp.
Tôi tin chắc, việc chống trả không vi phạm pháp luật hoặc kỷ luật của ngành y tế. Có thể chống trả bằng chân tay không, hoặc bằng các vật dụng xung quanh nêu với được.
Trong tình huống đó, tốt nhất vừa chống trả vừa la hét thật to để thu hút sự trợ giúp của người khác, đồng thời khiến kẻ gây sự sợ hãi mà bỏ đi, vì họ đều biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Trong tâm lý, họ cũng rất sợ bị bắt và trừng phạt bởi pháp luật. Tuy nhiên, nên nhớ chống trả để vô hiệu hóa, ngăn chặn hành vi tấn công, chứ không nhằm mục đích gây thương tích cho đối tượng. Ngay khi có cơ hội rời đi, có thể bỏ chạy đến phòng có cửa an toàn và gọi bảo vệ ngay lập tức.
Trung tá Đào Trung Hiếu
Những nhân viên y tế khác khi thấy đồng nghiệp bị tấn công, cần báo ngay bảo vệ. Nếu đối tượng dùng chân tay không, mà lực lượng đông hơn, có thể xông vào ôm giữ, kéo đối tượng ra. Nếu đối tượng có hung khí nguy hiểm, cần thiết ấn chuông báo động hoặc gọi điện cho cảnh sát, cho bảo vệ bệnh viện đến ứng cứu.
Bạn đọc tên Văn (Phủ Lý, Hà Nam) hỏi ông Hải: Ông Hải có thể cho biết phía Bệnh viện đã quán triệt tới đội ngũ nhân viên, y bác sỹ như thế nào để tránh những hoàn cảnh đáng tiếc khi người nhà bệnh nhân vì lý do nào đó mà mất kiểm soát, hành hung y bác sỹ?
PGS.TS Lê Thanh Hải: Trong quá trình tâp huấn kỹ năng giao tiếp, chúng tôi cũng đã bổ sung thêm nội dung ứng xử với tình huống người nhà bệnh nhân mất kiểm soát. Theo đó, mỗi cán bộ y tế phải phòng ngừa trước khi hành vi của người nhà bệnh nhân mất kiểm soát bằng cách giao tiếp, ứng xử tốt là một cách phòng ngừa với người nhà bệnh nhân; Cung cấp thông tin, giải thích tốt cho người nhà bệnh nhân; Khi người nhà bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, hoặc bị kích thích do bia, rượu, ma túy thì cần báo gấp cho đội an ninh bệnh viện. Đặc biệt, khi làm việc với người nhà bệnh nhân cần có ít nhất từ 2 cán bộ y tế trở lên
Tại mỗi khoa, phòng, khu vực đi lại đều có bố trí cán bộ bảo vệ túc trực 24/24 giờ trong ngày.
Chúng tôi quy định giờ ra vào của người nhà người bệnh, khi người nhà bệnh nhi vào thăm cần có bảo vệ đứng ngoài các buồng bệnh để kịp thời ngăn chặn khi người nhà bệnh nhân bị mất kiểm soát.
Ban giám đốc bệnh viện khuyến khích cán bộ y tế phản hồi tình trạng bị bạo lực tới lãnh đạo khoa/phòng và lãnh đạo bệnh viện để có hướng phòng ngừa.
Trong thời lượng hơn 1 tiếng đồng hồ diễn ra trực tuyến, NTNN/Dân Việt nhận được nhiều câu hỏi của độc giả. Tuy nhiên, do thời lượng có hạn nên một số câu hỏi chưa được trả lời. Rất mong quý bạn đọc thông cảm cho các khách mời. Xin trân trọng cảm ơn. |