Dân Việt

Chuyện ít biết về những cuộc “thủy chiến” với “thủy quái” sông Mê Kông

Ngọc Phạm 29/08/2017 17:25 GMT+7
Để có được cá “khủng” bán cho nhà hàng, các ngư dân phải dấn thân vào những cuộc “thủy chiến” ác liệt trên Biển Hồ.

Clip: Cận cảnh cặp “thủy quái” vừa “bơi” về Việt Nam.

Săn lùng cá “khủng” phục vụ thực khách sành ăn

Thời gian qua, các nhà hàng ở Việt Nam liên tục nhập về phục vụ thực khách những con cá “khủng” được ví như “thủy quái” vùng hạ lưu sông Mê Kông. Mới đây nhất, một nhà hàng  ở thành phố Đà Nẵng đã đưa về cùng lúc một cặp “thủy quái” có tổng trọng lượng lên tới 249kg (gồm một con cá tra dầu nặng 163kg và một con cá lăng nặng 86kg) thu hút sự chú ý của thực khách sành ăn trên khắp cả nước.

Trao đổi với PV, đại diện nhà hàng tiết lộ giá mua cặp “thủy quái” nói trên vào khoảng 200 triệu đồng, chưa tính các chi phí đông lạnh, đóng thùng và vận chuyển bằng máy bay hơn 10 triệu đồng. Sau khi xẻ thịt, thịt cá tra dầu được bán với giá 1,9 triệu đồng/kg, thịt cá lăng được bán với giá 1,5 triệu đồng/kg; riêng những phần hiếm và ngon như lòng và đầu cá thường có khách đặt trước với giá gấp rưỡi so với thịt cá.

Theo anh Huyền Anh (32 tuổi, chủ nhà hàng nói trên), những con cá “khủng” mà anh mua được đều là trực tiếp từ ngư dân chứ không thông qua thương lái. Với cặp cá tra và cá lăng mới đây, nếu nhà hàng không mua trực tiếp từ ngư dân thì không thể có giá tốt chỉ 200 triệu đồng. Trong quá trình thương thảo, nhà hàng này còn phải cạnh tranh với nhiều thương lái và các nhà hàng khác để được ngư dân đồng ý bán ngay cả khi cá chưa được đánh bắt lên.

“Các ngư dân đánh bắt cá “khủng” rất đặc biệt. Họ thường xuyên đi tìm tăm cá không phân biệt mùa hay thời gian nào, thấy sơ dưới nước là họ đã đoán được cá độ bao nhiêu kg. Sau đó, họ báo cho tất cả các thương lái, nhà hàng để ai xác nhận mua nhanh nhất thì họ chốt bán. Nhà hàng của tôi hay mua được những con cá lớn nhất vì ít trả giá lèo nhèo, cần là mua ngay”, anh Huyền Anh nói.

img

Cặp “thủy quái” nặng tổng cộng 249kg vừa được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam bằng đường hàng không.

Cá “khủng” được bán với giá “khủng” là điều dễ hiểu nhưng để những con cá này “bơi” tới Việt Nam, đằng sau đó còn là câu chuyện về những cuộc “thủy chiến” trên Biển Hồ bởi những ngư dân dày dặn kinh nghiệm, cũng như việc săn mua cá “khủng” bởi các chủ nhà hàng, thương lái.

Mặc dù “chơi đẹp” nhưng không phải lúc nào cá “khủng” cũng về tay nhà hàng của anh Huyền Anh, anh nhớ lại: “Có lần, người ta đánh bắt được con cá lăng độ hơn 80 kg. Tôi nhận mua rồi, ngư dân cũng đồng ý bán rồi nhưng sau đó xuất hiện một số đại gia Campuchia không cho chuyển về Việt Nam mà họ tìm cách giữ lại ăn. Ngư dân cũng chỉ biết lắc đầu, cáo lỗi với bên mình. Dù họ sai luật chơi trong giới mua bán cá “khủng” nhưng với trường hợp này thì mình đành thông cảm chứ biết đòi lại cá thế nào...”.

“Thủy chiến” với “thủy quái” sông Mê Kông

Cũng theo anh Huyền Anh, anh từng theo nhiều đoàn ngư dân Việt Nam sang Biển Hồ ở hạ lưu sông Mê Kông thuộc lưu vực Campuchia để xem họ trực tiếp đánh cá. Đó là những cuộc đánh bắt như “thủy chiến” mà các ngư dân phải có chiến thuật, kinh nghiệm và thậm chí phải đổ máu, bỏ lại da thịt trên biển cả.

img

Anh Huyền Anh (32 tuổi, một chủ nhà hàng ở Đà Nẵng) là một tay săn mua cá “khủng” nổi tiếng tại Việt Nam.

“Khi thấy tăm cá là ngư dân di chuyển theo đoàn cá đó, vây lưới. Họ khoanh vùng nhỏ dần lại rồi kéo lưới. Hầu hết các loại cá “khủng” đều rất khoẻ và hung dữ. Trong lúc kéo cá lên, có người đã bị cá quẫy, quật vào người dẫn tới thương tích nặng, ê nhức cả chục ngày. Tôi còn nghe các ngư dân thân thiết kể lại chuyện có người mất nguyên cả mảng đùi, rất may là chưa nghe ai nói có người bỏ mạng vì cá “khủng””, anh Huyền Anh kể lại.

Anh Huyền Anh cho biết thêm, những đoàn đánh bắt lớn rất có tâm. Họ thường đi theo đoàn khoảng chục người trên 2 - 3 chiếc thuyền gỗ. Khi đánh bắt lên, họ chỉ lấy cá lớn, còn cá nhỏ sẽ thả lại về biển khơi. Tuy nhiên thời gian gần đây, có nhiều đoàn của Việt Nam sang Biển Hồ Campuchia đánh bắt theo kiểu tận diệt, tức cả nhỏ cá tỏ gì cũng bắt.

Sau khi đánh bắt, “thủy quái” sông Mê Kông sẽ nhanh chóng được xử lý, đông lạnh và phân chia vào các thùng xốp lớn trước khi đưa về Việt Nam. Việc vận chuyển bằng phương tiện gì phụ thuộc vào yêu cầu của người mua là các nhà hàng hay thương lái. Thông thường, vận chuyển bằng ô tô sẽ tiện lợi hơn về thủ tục nhưng thời gian vận chuyển lâu, còn vận chuyển bằng máy bay thì nhanh hơn nhưng yêu cầu nhà hàng phải có sự chuẩn bị trước về các thủ tục và phải có kinh nghiệm.

Tại nhà hàng của anh Huyền Anh, anh cho biết luôn chọn cách chuyển cá về nhanh nhất có thể bằng đường hàng không nên thịt cá luôn tươi ngon. “Vận chuyển bằng ô tô rất dễ gặp trục trặc, tới khi cá về Việt Nam thì bị hỏng ít nhiều dẫn tới lằng nhằng trong việc thanh toán cho ngư dân”, anh Huyền Anh nói.