Dục tốc bất đạt
Chúng ta thử quan sát chặng đường đua 12 vòng sân vận động của các vận động viên đường dài. Qua năm vòng đầu tiên, một số vận động viên dốc sức ngay từ vạch xuất phát để chạy nhanh hơn và luôn dẫn đầu đoàn đua.
Vậy đến những vòng cuối, có chắc rằng các vận động viên này sẽ tiếp tục dẫn đầu hay sớm kiệt sức, phải tụt lại phía sau hoặc bỏ cuộc nửa chừng? Trong khi đó, những vận động viên lúc đầu chỉ chạy đều ở tốp giữa, thì về cuối chặng đua, họ vẫn còn sức để có thể bứt phá và chiến thắng.
Việc phấn đấu của học sinh trong 12 năm học phổ thông cũng tương tự như cuộc đua 12 vòng sân vận động. Không ít học sinh bị cha mẹ thúc ép phải học thật giỏi ở bậc tiểu học, nhưng càng lên lớp cao, các em càng đuối sức, học hành sa sút, thậm chí có em bị suy nhược thần kinh phải dừng học dở dang…
Song song đó, có những học sinh học bằng chính sức mình nên ban đầu chỉ đạt mức trung bình, khá, nhưng nhờ cha mẹ biết tiếp sức động viên con học đúng khả năng chứ không hám chuộng thành tích nên càng về sau, các em học hành tiến bộ hơn trong trạng thái vui vẻ, tự tin…
Đường dài mới biết ngựa hay
Trong thực tế, không phải mọi học sinh đều học giỏi, và cũng không hẳn học sinh nào mang danh hiệu học sinh giỏi cũng gặt hái thành công trong cuộc sống. Có một đôi vợ chồng dạy khiêu vũ rất nổi tiếng tại TP.HCM, họ luôn tươi trẻ nhờ công việc đầy thú vị, thường xuyên tiếp xúc với âm nhạc và thể hiện những động tác đầy nghệ thuật khi hướng dẫn học viên và biểu diễn trên sấn khấu.
Do khẳng định được tài năng nên thu nhập của họ khá cao và họ đang có cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc. Họ đã thành đạt trong nghề nghiệp nhưng có thể hồi đi học, họ chỉ là học sinh trung bình hoặc khá vì chỉ có điểm cao ở hai môn được xem là môn phụ: âm nhạc và thể dục, chính là những môn khơi dậy tiềm năng nghệ thuật của họ, xây dựng nền tảng ban đầu để họ khẳng định tài năng trong hoạt động nghề nghiệp hiện nay…
Trong khi đó, nhiều người tuy được điểm cao ở nhiều môn học, được đánh giá học lực giỏi nhưng không thể xác định được khả năng thực sự của mình vì đa số các môn đều nhờ học thêm mới có điểm tốt. Do vậy họ rất khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân để có thể phát huy tối đa năng lực và thành công trong cuộc sống.
Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng nóng vội, đừng mất bình tĩnh khi thấy con có vẻ thua sút bạn bè ở những năm học đầu tiên, nhất là khi sự “so tài” ấy không hề công bằng bởi vấn nạn học thêm tràn lan như hiện nay.
Cha mẹ cần theo dõi để nhận biết sức học của con, từ đó đầu tư thích hợp, tránh xảy ra tình trạng “tiền mất tật mang” do ép con học hành quá sức đến đổ bệnh hoặc bơ phờ, mệt mỏi, ngán sợ việc học và đánh mất sự hồn nhiên đáng quý của thời thơ ấu. Cha mẹ cũng cần biết chấp nhận khả năng của con, không buồn rầu vì con mình không xuất chúng.
Ngoài ra cha mẹ cũng cần giúp con tự tin phấn đấu trên quan điểm khuyến khích con “học hết sức mình” chứ không phải “học để có thứ hạng cao”. Cha mẹ cần giúp con bộc lộ khả năng thật sự để có thể lựa chọn đúng ngành học và phấn đấu hiệu quả trong hoạt động nghề nghiệp sau này.
Đích đến của sự thành đạt còn xa, lớp 1 chỉ là những bước đi đầu tiên trong việc tạo dựng tương lai của con, cha mẹ cần hướng dẫn con biết chạy đua với đời một cách hiệu quả. Thông thường nếu chạy chậm, vừa sức thì ta sẽ chạy lâu hơn và đi được xa hơn. Cha mẹ đừng thiển cận, bắt con chạy quá sức chỉ để đạt các giải địa phương (danh hiệu hàng năm) mà phải bỏ cuộc nửa chừng một cách đáng tiếc!