Lệnh cấm, giờ mới biết?
Những ngày trung tuần tháng 8, hàng trăm hộ ngư dân đánh bắt bằng lồng bát quái ở các vùng Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà... phải kéo tàu thuyền về nhà, ngày đêm sống trong lo lắng, sôi sục.
Tàu thuyền sử dụng lồng bát quái xếp hàng dài về bờ neo đậu sau đợt cao điểm BVNLTS trong tháng 8.2017. Ảnh: Nguyễn Quý
Anh Nguyễn Văn Mạnh (xóm 8, Liên Hòa, thị xã Quảng Yên) cho biết: “Tôi đi đánh bắt bằng lồng bát quái đã hơn chục năm nay, cuộc sống mưu sinh ngày càng khó khăn, vất vả. Luật của Chính phủ đưa xuống người dân chúng tôi không hề được biết. Vậy mà đột nhiên lực lượng chức năng bắt phương tiện, đồ nghề của chúng tôi mang đốt, rồi còn xử phạt mà không hề có thông báo nào”.
“Đầu tư mua lồng này có ít đâu. Riêng hộ đầu tư mức vừa phải như tôi cũng đã đến hơn 300 triệu đồng rồi, 80% số vốn đó là phải đi vay lãi. Nay nhà nước cấm ngặt thế, một mình tôi nuôi 4 miệng ăn, giờ không biết tính sao!” - ông Đào Văn Thuấn (xóm 4, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên) cho hay.
Anh Tô Duy Đà (thôn 4, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) cho biết: “Bao nhiêu năm nay chúng tôi làm nghề đánh lồng nhưng không hề có ai nhắc nhở hay khuyến cáo chúng tôi rằng đây là ngư cụ cấm, cần chuyển đổi sang nghề khác. Chúng tôi phải đầu tư khá nhiều tiền, từ tàu thuyền, đến lưới lồng 400.000 đồng 1 bộ. Đùng một cái tất cả phải về nhà, hàng trăm triệu đầu tư nay xếp xó, hàng trăm hộ gia đình giờ về nhà ngẩn ngơ, chưa biết làm gì để sống”.
Phía người dân đều cho rằng, từ cấp xã, đến các lực lượng như biên phòng, kiểm ngư chưa bao giờ có thông báo về việc lồng bát quái nằm trong danh mục ngư cụ bị cấm xử dụng trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NNPTNN Quảng Ninh, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) theo Luật Thủy sản và các văn bản dưới Luật, Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về BVNLTS của Bộ NNPTNT và UBND tỉnh.
Lồng bát quái đang được sử dụng để đánh bắt tại khu vực núi Tổ Chim, phường Hải Hòa, TP.Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Quý.
“Việc ngư dân cho rằng chưa biết quy định cấm lồng bát quái là do ngư dân chưa thực hiện đúng quy định pháp luật nhà nước về khai thác thủy sản. Cụ thể: Trước khi đóng mới tàu cá thì chủ tàu phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở Nông nhiệp và PTNT đối với tàu >20CV hoặc chiếu dài thiết kế trên 15m; UBND các địa phương đối với tàu <20CV hoặc chiều dài thiết kế dưới 15 m). Khi thực hiện thủ tục này, cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào chủ trương, quy hoạch phát triển tàu cá của Bộ NNPTNT, tỉnh Quảng Ninh..., nếu chủ tàu không vi phạm thì mới chấp thuận cho đóng mới tàu cá. Sau khi thực hiện đóng mới, chủ tàu phải thực hiện đăng kiểm, đăng ký tàu cá, xin cấp giấy phép khai thác thuỷ sản trước khi hoạt động. Nếu chủ tàu thực hiện đúng các bước này thì đã tránh được hoạt động những nghề bị cấm theo quy định, trong đó có nghề lờ dây”.
Gia hạn liệu có vi luật?
Sau khi lắng nghe ý kiến của ngư dân tại buổi làm việc ngày 28.8, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kết luận: Tỉnh vẫn tiếp tục kiểm tra xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVNLTS. Riêng đối với nghề sử dụng lồng bát quái, hình thức xử lý trước mắt là lập biên bản vi phạm, nhắc nhở, tuyên truyền (chưa áp dụng biện pháp xử phạt tiền, thu giữ lồng) đến hết 31.12.2017 để ngư dân có điều kiện chuyển đổi sang các nghề khai thác thủy sản truyền thống và các nghề khác. Từ ngày 1.1.2018 sẽ tiến hành thu giữ đồng bộ, cấm sử dụng trên toàn địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Công (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Ninh) trả lời câu hỏi của PV Dân Việt tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 29.8. Ảnh: Nguyễn Quý.
Đây là một quyết định hợp lòng dân, tuy nhiên có thể bị dư luận cho rằng vi luật. Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNN) cho rằng: Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, tại Điều 21, mục 7 “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước ở Trung ương phân cấp, ủy quyền”.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 6, Thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10.5.2013 quy định về công tác quản lý vùng biển ven bờ và vùng lộng “UBND tỉnh có trách nhiệm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để khai thác bền vững; Trong trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, quy định bổ sung về phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng…”.
Đối với ngư cụ lồng bát quái đã được UBND tỉnh thỏa thuận cấm ở vùng bờ với Bộ Nông nghiệp và PTNT và ban hành quy định cấm tại Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND ngày 22.10.2014 của UBND tỉnh. Do vậy, thẩm quyền quyết định tổ chức thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực ven bờ (đối với nghề cấm Lồng bát quái) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ninh: Nghề lờ dây (lồng bát quái) là nghề du nhập từ Trung Quốc, nhưng chính tại nước sinh ra nó đã cấm triệt để từ rất lâu rồi. Mấy năm gần đây nghề này phát triển mạnh ở Quảng Ninh. Nguyên nhân chủ yếu là việc khai thác bằng nghề truyền thống giờ rất khó khăn, trong khi sử dụng lồng bát quái người đánh bắt không cần có kinh nghiệm, không cần mồi, chỉ việc thả cho lồng chìm xuống tầng đáy, đủ thời gian là vớt lên thu tất cả các loại hải sản to nhỏ đã mắc bẫy. Theo thống kê sơ bộ, Quảng Ninh có khoảng 800 tàu hoạt động đánh bắt bằng nghề này, trung bình mỗi tàu có 300 lồng tương ứng với chiều dài là 3km. Như vậy, nếu 800 tàu này cùng hoạt động thường xuyên sẽ tương ứng với 2.400km biển bị vây kín, ngăn cản đường di chuyển của các loại hải sản; bắt và tiêu diệt tất cả các loài từ phôi giống, đến trưởng thành, cực kỳ nguy hại. |