Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng khi 10 năm trở lại đây không hề có tăng trưởng âm. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến ở 2 mặt hàng tôm (tăng 10 lần) và cá tra (tăng 8 lần).
Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam về tôm và cá tra, chủ yếu là hàng đông lạnh.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số giá thủy sản nội địa nước tăng vọt. Đơn cử, riêng tháng 5.2017 đã tăng đến 31%, được coi là cao nhất trong lịch sử, khiến khối lượng nhập khẩu tăng lên 22%.
Khối lượng buôn bán các loại giáp xác và nhuyễn thể giá cao cũng tăng mạnh, trong khi tiêu thụ cá nước ngọt giá rẻ như cá chép giảm đáng kể. Vasep dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 8 tỷ USD cho thủy sản năm 2017, và tăng lên 20 tỷ đến năm 2020.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc gia tăng vì thu nhập trung bình, tiền lương và nhất là tầng lớp trung lưu nước này gia tăng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thủy sản tăng mạnh. Lệnh cấm đánh bắt của nước này cũng khiến nguồn cung thiếu hụt làm nhập khẩu tăng.
Theo Vasep, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm nay tăng trưởng tốt.
“Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đầy thách thức vì nhiều rủi ro không lường trước được. Doanh nghiệp trong nước cần thận trọng khi giao dịch hoặc không đặt quá nhiều đơn hàng vào thị trường này”, bà Hằng nhận định.
Trong các thách thức đặt ra, doanh nghiệp trong nước cũng gặp khó từ chính thủ tục hải quan trong nước chưa thông thoáng; xuất khẩu tiểu ngạch làm ảnh hưởng và thông tin về thị trường, nhu cầu từ các doanh nghiệp Trung Quốc đang thiếu nghiêm trọng.
Ông Đặng Ngọc Sâm Thương, Giám đốc chuỗi cung ứng Công ty Marine Harvest Asia kể một trường hợp cụ thể bị làm khó khi giao dịch song phương với Trung Quốc. Đơn vị mà ông Thương đang tư vấn có nhu cầu xuất khẩu 100 tấn cá hồi với giá khoảng 10USD/kg. Đơn vị đối tác từ Trung Quốc đã làm hồ sơ xin nhập khẩu cá hồi Việt Nam song bị cơ quan quản lý hàng nhập khẩu nước này từ chối.
Theo tìm hiểu của ông Thương, sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện có tên trong danh mục được Trung Quốc công nhận. “Nhưng thực ra danh sách này do chính Trung Quốc tự lập ra chứ Việt Nam không cung cấp”, ông Thương nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết sẽ ghi nhận ý kiến để có cơ sở khi trao đổi song phương. Đồng thời, ông Hòa nhấn mạnh thị trường này sẽ còn tiếp tục siết chặt giao dịch tiểu ngạch qua cửa khẩu và chứng thư về an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị tinh thần cho những điều kiện tất yếu trên.
Xét trên tổng thể ngành thủy sản, ông Hòa cho rằng vẫn phải coi Trung Quốc là thị trường chiến lược khi giới nhà giàu và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản giá trị cao ở nước này đang tăng mạnh.
“Ngành thủy sản phải xác định vị trí, tổ chức lại chiến lược, xây dựng thương hiệu chung và sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới thì mới tiến vào thị trường này một cách bài bản”, ông Hòa chia sẻ.
Theo Vasep, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm nay tăng trưởng tốt và đã đạt khoảng hơn 3,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu thủy sản cả năm 2017 ước đạt khoảng 7,4 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2016. Tôm và cá tra vẫn là hai mặt hàng chủ lực và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017. Vasep đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8 tỷ USD cho năm tiếp theo. |