Theo phản ánh, nhiều cánh rừng ở xã biên giới Đắk Long (huyện Đắk Glei, Kon Tum) lâu nay bị lâm tặc “cày xới” rất nghiêm trọng. Qua tìm hiểu, một người dân ở đây tình nguyện làm “người dẫn đường” đưa chúng tôi trực tiếp vào rừng ghi nhận thực tế. Theo đó, chỉ cần đi từ thôn Đắk Tu qua hướng cầu treo Đắk Long vào dãy núi lớn thì có thể thấy được tường tận những cây gỗ bị đốn hạ.
Một cây gỗ bị đốn hạ chưa lâu, nhựa cây còn ứa.
Người chỉ đường cho biết, muốn vào tận nơi mà không bị lâm tặc chỉ mặt thì phải hóa trang, mượn cào cào sắt (xe máy độ chế) đi mới không bị nghi ngờ. Đến hiện trường, đập vào mắt là hàng chục cây gỗ to từ 1 - 3 người ôm chỉ còn trơ gốc, có những cây dấu đốn hạ vẫn còn mới. Đa phần các cây gỗ đã được lâm tặc xẻ hộp đưa ra khỏi rừng, riêng những cây to 3 - 4 người ôm vẫn còn nằm chỏng chơ, thân, vỏ đã khô.
Người chỉ đường cho biết thêm: Những cây to này vẫn còn ở đây là do cây gỗ còn tươi, trọng lượng rất lớn khó mang ra ngoài nên còn nằm tại đây, chờ gỗ khô, nhẹ mới dễ vận chuyển. Ở những điểm hiểm trở, đồi cao, lâm tặc cũng đầu tư dây cáp dài cả 100m để tời (kéo) gỗ. Càng đi sâu vào rừng càng thấy nhiều cây gỗ to lớn bị chặt hạ không thương tiếc.
Cây gỗ to 3 - 4 người ôm bị lâm tặc đốn hạ, phơi khô chưa kịp xử lý.
Trao đổi về vụ việc này với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum tỏ ra khá bất ngờ “vì lâu nay các tổ công tác địa bàn thường xuyên kiểm tra, truy quét và báo cáo về rất tốt". Trước đây, có phát hiện một số vụ nhưng không đáng kể.
Theo ông Tiến, khu vực mà phóng viên cũng cấp thông tin khá rộng. Lâm phần này một phần thuộc Ban quản lý rừng Đắk Long và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hồi quản lý. Ngoài ra, tại đây cũng có 2 đồn biên phòng đóng chân, phía kiểm lâm đã ký quy chế phối hợp. Về thông tin này, Chi cục sẽ cho tiến hành kiểm tra, xác minh rừng bị phá ra sao và thuộc đơn vị nào quản lý, sau đó có phản hồi cho báo chí.
Ông Tiến cho biết thêm, trên địa bàn xã Đắk Long có 2 lối mở nhập khẩu gỗ ở biên giới từ nước bạn về nhưng đã đóng cửa từ thời điểm 30.7.2017, hiện chỉ còn lại là bãi tập kết. Riêng việc trà trộn gỗ tự nhiên vào gỗ nhập khẩu là không có.
Những phách gỗ được xẻ ngay giữa rừng.
Mặt gỗ to rộng có phần hư hại bị bỏ tại rừng.
Cây gỗ rất to bị lâm tặc đốn hạ chưa lâu.
Những mùn cưa vẫn còn mới sau khi lâm tặc xẻ gỗ tại rừng.