Triều Tiên không hề "vô cớ" thử tên lửa thời gian qua.
Ngày 29.8, Triều Tiên phóng thử một quả tên lửa đạn đạo Hwasong-12, bay xuyên qua không phận phía Tây Nhật Bản. Nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích hành động này của Triều Tiên, tuy nhiên ít người nhận ra chiến lược bí mật đằng sau mỗi lần thử của Bình Nhưỡng.
Chuyên gia quân sự hạt nhân Vipin Narang từ học viện MIT (Mỹ) nói rằng vụ phóng tên lửa về phía Nhật Bản “là hành động thuần túy khiêu khích”. Tuy nhiên, ông này khẳng định chuỗi hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên nhằm mục đích khác là củng cố quyền lực của ông Kim Jong-un.
Chiến lược hạt nhân của Triều Tiên xoay quanh mục tiêu quan trọng nhất: mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên là đủ mạnh để khiến Mỹ không dám sử dụng kho vũ khí tối tân của mình nhắm vào Bình Nhưỡng. Đây là cách để Triều Tiên đảm bảo sự sống còn cho quốc gia mình, Vipin nhận định.
Ông Vipin nói: “Triều Tiên sẽ không bao giờ tấn công nước Mỹ trước mà sẽ chỉ dùng tới hạt nhân nhằm tự vệ”. Chuyên gia này cũng nhận định, rất có thể Triều Tiên dám chấp nhận cho Mỹ đánh Bình Nhưỡng và ngay sau đó, Triều Tiên sẽ dội tên lửa vào các thành phố trọng yếu như Los Angeles, Washington hay New York.
Bất chấp lí luận đằng sau chiến lược tên lửa này, mối nguy chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một lên cao sau khi Bình Nhưỡng thể hiện nhiều động thái cứng rắn. “Nếu quả tên lửa bay sai lệch tính toán ban đầu và rơi vào khu dân cư thì sao? Hoặc nó rơi vào lãnh thổ Nhật Bản? Đó sẽ là mối nguy thực sự”, giáo sư Vipin nói.
Ông Kim Jong-un và các tướng lĩnh quân đội.
Chuyên gia này cũng nhận định, hành động thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên có vẻ là “liều lĩnh và không tính toán”, nhưng kì thực có ẩn ý đằng sau. Ông cho rằng sau mỗi lần bắn tên lửa, Triều Tiên lại rút ra được bài học và chỉnh sửa thông số kĩ thuật để hoàn thiện hơn.
Ông Kim Jong-un cũng khen ngợi vụ thử tên lửa là “bằng chứng của năng lực chiến đấu vượt trội”.