Mùa vàng ở Y Tý
Y Tý là một xã thuộc huyện Bát Xát, cách thành phố Lào Cai khoảng 80km. Đường sá ngày trước đi lại khá khó khăn, khi vào mùa mưa do xạt đường, lở núi nhưng hiện nay đã được cải tạo lại rất nhiều. Chính vì vậy, trong những năm gần đây có nhiều người đến thăm bà con Hà Nhì và khám phá mảnh đất hoang sơ và đẹp đẽ này.
Bốn mùa Y Tý đẹp
Y Tý mùa xuân sẽ là những làn mây bồng bềnh cùng những cây đào nở hoa bên hiên nhà. Ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, nên Y Tý lạnh hơn so với những vùng khác và sương mù bao phủ hầu như quanh năm.
Nhưng mây thì chỉ có nhiều vào khoảng tháng 3, tháng 4. Và khi đó, Y Tý có một vẻ đẹp rất huyền ảo.
Những mái nhà của người Hà Nhì lúc thì lặn đâu mất khi mây lên, còn khi mây xuống chỉ thấy hiện lên như những cái nấm mờ ảo khuất sau rặng tre. Tất cả những cảnh ấy diễn ra rất nhanh, và rồi lại chìm vào một màu trăng trắng của mây.
Nếu đi Y Tý vào tầm cuối tháng 5, đầu tháng 6 thì bạn sẽ chiêm ngưỡng được những thửa ruộng bậc thang long lanh như gương vào mùa nước đổ.
Lúc đó, người dân bắt đầu be bờ, đắp ruộng vào nước và bắt đầu một mùa cày cấy.
Còn nếu đi vào tầm tháng 9, tháng 10 thì sẽ thấy những thửa ruộng vàng óng ánh, những cành lúa nặng trĩu bông và hương lúa chín lan tỏa nhè nhẹ vào không gian. Người già, trẻ nhỏ bắt đầu ra ruộng để gặt lúa, phơi lúa.
Vào mùa đông, Y Tý bao trùm một màu xám lạnh hoặc màu tuyết trắng. Nhưng đi lại rất khó khăn bởi nhiều khi tuyết dày đến nửa mét và không có những công nhân dọn tuyết, nên người dân chỉ chờ ở nhà đến khi tuyết rơi mới quay lại công việc thường ngày của mình.
Có thể nói Y Tý mùa nào cũng đẹp, và mỗi mùa có một nét đẹp riêng để khi bạn đến đây và quay về có thể làm được bộ tranh tứ bình.
Nét đặc trưng của Nhĩ Cù San
Nhĩ Cù San, hay còn gọi là núi Sừng Trâu, là ngọn núi cao nhất ở Y Tý, với độ cao 2660 m so với mặt nước biển. Đường lên núi khá dốc và đường xấu nên chỉ có thể lên bằng xe máy. Lên Núi Nhĩ Cù San có thể bao quát được rộng cả khung cảnh Y Tý, cả biển mây Y Tý và cả đất trời Y Tý.
Cách đường lên núi Nhĩ Cù San khoảng 1km có đường đi vào rừng già. Đây là khu rừng được bà con Hà Nhì thờ cúng và yêu mến. Bởi rừng thảo quả nơi đây đã thay đổi nhiều cuộc sống của người dân Y Tý, từ thiếu ăn, thiếu mặc đến có tiền để mua đồ ăn, tổ chức Tết và người dân không còn bị đói nữa. Cũng chính là mẹ rừng đã cho con thú, cái củi để người dân chống trọi qua cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Vì vậy, nếu có đi thăm rừng ở Y Tý, bạn nên đi cùng một người dân bản địa, như thế sẽ vừa an toàn và thể hiện được lòng thành kính với rừng thiêng Y Tý.
Những người giữ hồn cho đất
Phong cảnh đẹp, nhưng vẫn thật thiếu thốn nếu không có con người. Bởi chính con người tạo hồn cho đất. Ở Y Tý có nhiều dân tộc sinh sống như Mông, Dao, Giáy và Hà Nhì đen. Nhưng phần lớn vẫn là người Hà Nhì.
Cứ mỗi tuần một lần, người dân từ các bản nhờ lại dậy từ rất sớm và đi bộ hàng giờ đồng hồ để cùng nhau tụ tập ở chợ vào sáng thứ 7. Cũng giống như nhiều chợ ở cùng cao khác, chợ Y Tý mở ngay giữa xã, và ở một không gian mở và là nơi để mọi người giao lưu, buôn bán, trao đổi với nhau. Người thì mang mang con gà, người thì mang ít rau quả, người mang len ra chợ bán.
Người Hà Nhì có một đặc điểm rất hay, đó là ai đã từng lấy chồng thì sẽ đội một mớ tóc giả rất to trên đầu. Trước đây họ mua sợi vải bông rồi nhuộn đen, nhưng bây giờ họ mua bên chợ Trung Quốc bằng sợi pha len, nên vừa nhẹ lại rất ấm. Tóc giả được tết lại, to bằng bắp tay, dài khoảng 2m, đuôi buộc thành búi bằng sợi màu xanh. Phụ nữ Hà Nhì đội tóc giả không chỉ để làm đẹp mà còn giữ ấm cái đầu, tối ngủ làm gối hay quàng cổ cho ấm…
Chợ tan, theo chân những người phụ nữ Hà Nhì, họ sẽ dân ta về bản. Những bản nhỏ với trẻ em tưng bừng chơi đùa trong cái nắng hiếm hoi của mùa xuân. Trẻ em tầm 8-9 tuổi lúc nào cũng phải địu em trên lưng để cùng chơi đùa. Những chiếc lốp xe máy trở thành món đồ chơi thân thuộc của chúng. Tụm năm, tụm bảy nhảy nhót, phơi nắng trong khoảng sân nhà.
Những bản như Lao Chải 1 vẫn còn những ngôi nhà truyền thống của người Hà Nhì. Đó là những ngôi nhà trình tường, lợp bằng mái ranh. Nhưng hiện cả bản chỉ còn ba ngồi nhà như vậy bởi phần lớn người dân đã chuyển sang dùng mái pro xi măng, hơi đắt một chút nhưng bền. Nhà trình tường là một kiến trúc vô cùng độc đáo của các dân tộc cùng cao ở cực Bắc của tổ quốc.
Nhà của người Dao, Mông có hình chữ nhật còn của người Hà Nhì thì hình vuông với chiều rộng khoảng 4 sải tay, chiều dài 4,5 sải của gia chủ. Nhà cao 5m, có một cửa ra vào rộng chừng 80 cm và cao không quá đầu người. Những ngôi nhà này tường rất dày và cửa sổ nhỏ để giữ ấm trong những tháng ngày mùa đông giá lạnh, còn mùa hè thì lại mát.
Trong nhà của người Hà Nhì rất tối, và luôn có bếp lửa cháy âm ỉ quanh năm. Trước của nhà bao giờ cũng có một đống củi cao chất nhất. Đống củi là thước đo sự chịu khó lam làm của những người phụ nữ. Sống ở đây người ta cần sưởi lửa quanh năm, bởi thế nhà nào cũng phải dự trữ thật nhiều củi để chống rét. Những cô gái nào có đống củi to trước nhà thì được nhiều chàng trai để mắt tới.
Trong gia đình, phụ nữ là lao động chính, còn đàn ông chủ yếu là ở nhà chăm sóc con cái và uống rượu. Hạnh phúc của họ giản đơn, là có đủ thóc ngô để ăn, củi để sưởi và rượu để uống. Chính vì vậy, những người già Hà Nhì hầu như chẳng nhớ nổi tuổi của mình. Cứ năm này qua năm khác, cần mẫn lao động, cần mẫn cùng thiên nhiên...
Nếu lên Y Tý dịp nghỉ lễ 2/9, du khách còn có cơ hội tham quan triển lãm ảnh “Sắc vàng trên Y Tý”, diễn ra tại trung tâm xã Y Tý từ ngày 1 - 15/9.
Tờ Thrillist đã chọn ra những điểm đến tuyệt vời mà chưa nhiều người biết tới ở châu Á, trong đó có Y Tý.