Nhân viên nghĩa trang mang đồ cúng ra mộ khi gia chủ của người đã khuất yêu cầu mua đồ cúng qua mạng internet.
Bà Nguyễn Thị Hường, 70 tuổi (Dịch Vọng, Cầu Giấy) có phần mộ người thân ở một nghĩa trang thuộc tỉnh Hòa Bình, bà muốn thắp hương, đặt đồ lễ không chỉ ngày mùng 1, ngày rằm mà bà muốn làm công việc đó nhiều lần trong tháng nhưng tuổi cao, thời gian không cho phép nên bà thường xuyên vào mạng, chỉ vài cái nhấp chuột là bà đã có mâm cỗ cúng ở phần mộ người thân cách xa vài chục cây số.
“Dịch vụ này rất tiện lợi", anh Nguyễn Đức Long (33 tuổi), kiến trúc sư tại Hà Nội cho biết, anh đã đặt hoa quả và rượu quê qua mạng để cúng cha mình. "Dịch vụ này không thể thay thế thờ cúng truyền thống nhưng tôi thường đi công tác xa. Ngày mùng 1, ngày rằm muốn có mâm cơm chay hay bó hoa tươi đặt lên phần mộ cha nhưng rất khó nên tôi sử dụng dịch vụ này, nó giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn".
Sau vài cái nhấp chuột, những món đồ yêu thích của người thân khi còn sống sẽ nhân viên nghĩa trang mang tới những ngôi mộ và gửi lại hình ảnh hoặc video qua email cho khách.
Ông Hoàng Văn Nhân (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cùng các con đã mua trước phần mộ cho chính mình, ông cho biết: “Tôi biết dịch vụ cúng giỗ online, dịch vụ này phù hợp với một số người nhưng nếu sau này tôi qua đời nếu các con làm việc hay công tác ở miền Bắc mà không lên thăm phần mộ thì tôi không thể chấp nhận được. Những ngày quan trọng, tôi vẫn muốn chúng có mặt ở phần mộ của tôi”.
Gia chủ thường đặt đồ cúng online như mâm cơm chay, mâm hoa quả…
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tuyền - Tổng Giám đốc Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình), ông cho biết, dịch vụ cúng giỗ online của nghĩa trang là một trong những dịch vụ đầu tiên trên thế giới. Vì còn mới lạ nên phần đồng các gia đình còn bỡ ngỡ với dịch vụ này. Tuy nhiên, trong tháng 7 Âm lịch này, dịch vụ có dấu hiệu tăng khá mạnh.
"Mọi nghi thức cúng giỗ, thắp hương sẽ được quay clip để khách hàng ở đâu cũng có thể xem chúng tôi đang làm như thế nào", ông Tuyền cho biết.
"Tuy nhiên, người Việt Nam tôn vinh tổ tiên bằng cách đốt vàng mã và đặt đồ cúng lên mộ hoặc bàn thờ trong nhà bao gồm thức ăn, tiền âm, rượu, thuốc lá... những thứ được cho là để an ủi tinh thần người đã khuất ở thế giới bên kia. Truyền thống này cũng đồng nghĩa với việc các gia đình thường xuyên tới thăm mộ người thân trước ngày giỗ của họ và vào dịp lễ, Tết. Chính vì vậy, chúng tôi không khuyến khích việc cúng giỗ online", ông Tuyền nhấn mạnh.
Còn theo Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, nếu xuất phát từ cái tâm sẽ tốt hơn dùng vật chất. Vì lý do bận, ở xa mà không về cúng giỗ được ông bà, tổ tiên được thì cúng giỗ online cũng là một hình thức như để an ủi tinh thần người đã khuất ở thế giới bên kia cũng như cho tâm hồn người ở xa cảm thấy thoải mái. Do quá bận, nhờ người nào đó thực hiện đó cũng là một cái tâm.