Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói như vậy tại cuộc họp báo ngày 30 tháng 8. Cùng ngày, hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên thông báo rằng, vụ thử tên lửa Hwasong-12 là "khúc dạo đầu" trước khi họ hướng tới tấn công đảo Guam và là cách đáp trả cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vladimir Evseev nói lên ý kiến rằng, Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa, bởi vì đợt phóng tên lửa gần đây nhất đã được thực hiện để phân tích lỗi kỹ thuật và khắc phục chúng.
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jieyi kêu gọi CHDCND Triều Tiên thực hiện các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đồng thời ông kêu gọi tất cả các bên liên quan phải kiềm chế, tránh những lời nói và hành vi khiêu khích có thể làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực. Đại sứ của Trung Quốc nhấn mạnh, cần phải thiết lập sự hợp tác để lập lại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, cần phải tạo điều kiện thuận lợi để nối lại cuộc đối thoại.
Theo chuyên gia quân sự Vladimir Yevseyev, Trung Quốc cùng với Nga nên đề xuất với Mỹ một thỏa hiệp khiến Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với CHDCND Triều Tiên.
Thời kỳ đối đầu vẫn tiếp tục. Hiện nay khó hiểu cần phải áp dụng những biện pháp nào để chấm dứt sự đối đầu, vì cả Bình Nhưỡng và Washington đang tham gia một trò chơi nguy hiểm, và nhà lãnh đạo Triều Tiên không chịu rút lui.
Ở đây Nga và Trung Quốc có thể đóng một vai trò rất quan trọng. Họ phải cùng nhau đề xuất với Mỹ một số thỏa hiệp nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Phải tìm kiếm một thỏa hiệp mà cả Mỹ và Triều Tiên có thể chấp nhận được. Và đây phải là một đề xuất Nga-Trung.
Trong trường hợp này, Mỹ có thể xem xét nó, vì họ đang lâm vào tình trạng bế tắc. Họ không biết nơi bố trí vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, có thể nó ẩn sâu dưới lòng đất. Bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ vào Triều Tiên, thậm chí nếu đây chỉ là một hành động phô trương sức mạnh, sẽ khiến Bình Nhưỡng giáng đòn trả đũa. Trước hết, Bình Nhưỡng sẽ đánh vào Hàn Quốc.
Vụ thử tên lửa gần đây nhất sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với Bình Nhưỡng. "Đã quá đủ, hành động của Triều Tiên cần được đáp trả nghiêm túc!",- đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói. Bà Haley bày tỏ hy vọng rằng, Trung Quốc và Nga sẽ cùng hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề liên quan đến các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Ngày 29 tháng 8, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa đạn đạo mới nhất, đây là lần đầu tiên tên lửa của Triều Tiên đã ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, Reuters đưa tin.
"Không nước nào được phóng tên lửa bay ngang qua 130 triệu người ở Nhật như vậy. Thật không thể chấp nhận", - bà Haley nói.
Các chuyên gia không loại trừ rằng, đợt phóng lần này nhằm mục đích kiểm tra hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Nếu vậy, tên lửa Hwasong-12 đã vượt qua thành công cả hai hệ thống phòng thủ tên lửa.
Trong khi các thành phần của hệ thống THAAD đang được triển khai trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng buộc phải cải thiện và nâng cấp các loại tên lửa đạn đạo với các tầm bắn khác nhau. Vì thế, theo ý kiến của chuyên gia quân sự Vladimir Evseev, CHDCND Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục thử phóng tên lửa bất kể là có biện pháp trừng phạt mới hay không:
Hiện nay Triều Tiên có tên lửa tầm trung Hwasong-12. Đây là loại tên lửa hai tầng, nó có thể mang đầu đạn hạt nhân tới đảo Guam. Mặc dù tên lửa đã được trang bị cho quân đội, quá trình hoàn thiện nó chưa được hoàn thành, vì vậy, không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện những vụ thử mới.
Triều Tiên đã dọa tấn công Guam bằng 4 tên lửa Hwasong-12, vì thế có thể giả định rằng, đến nay Bình Nhưỡng đã triển khai ít nhất một tiểu đoàn tên lửa Hwasong-12. Do đó, về nguyên tắc, Bắc Triều Tiên có khả năng phóng bốn tên lửa loại này. Lần này tên lửa đã bay được khoảng 2.700km, điều đó cho thấy rằng, Hwasong-12 có tầm bắn khá xa.
Bây giờ không thể nói chính xác liệu tên lửa này có thể vượt qua khoảng cách 4.500km, bởi vì trong đợt phóng gần đây nhất nó chỉ đạt tới độ cao 550km. Về nguyên tắc, đây không phải là độ cao lớn. Nhưng, tên lửa này có tầm bay xa hơn Musudan và nó có thể mang đầu đạn hạt nhân. Mặt khác, theo thông tin nhận được, các chuyên gia Bắc Triều Tiên chưa hoàn tất việc phát triển đầu đạn hạt nhân, nói chính xác hơn - đầu đạn tên lửa. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên đang phát triển tên lửa Hwasong-14 có tầm bay xa hơn và có khả năng bay đến tận Hawaii.