Các bị can bị khởi tố. (Ảnh: Tiền Phong)
5 bị can vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố gồm:
Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Ông Sơn đang là bị cáo trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm đang được TAND TP.Hà Nội xét xử. Bị cáo này bị truy tố 3 tội danh là Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can tiếp theo là Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó Tổng giám đốc PVN.
Các ông: Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường đều nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN.
Tất cả cùng bị khởi tố để điều tra về hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Theo tài liệu PV có được, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2010, khi PVN góp vốn vào OceanBank là thời điểm Nhà nước cho phép các tập đoàn, tổng công ty đầu tư đa ngành, lĩnh vực trong đó có ngân hàng, tài chính và bất động sản…, PVN đã góp vốn vào OceanBank 3 đợt. Đợt 1 góp 400 tỷ đồng, đợt 2 góp 300 tỷ đồng, đợt 3 góp 100 tỷ đồng.
Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, đối với việc góp vốn lần 1 (năm 2008) và góp tăng vốn đợt 2 (năm 2010) của PVN vào OceanBank được sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ.
Việc góp vốn đợt 3, có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số cá nhân trong Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, người đại diện góp vốn và Ban kiểm soát. Cụ thể, Hội đồng thành viên gồm các ông: Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Minh Đức và Hoàng Xuân Hùng là những người trực tiếp tham gia, có ý kiến đồng ý cho góp tăng vốn 100 tỷ đồng trái với Luật các Tổ chức tín dụng.
Ban Tổng giám đốc gồm Nguyễn Xuân Sơn - Phó Tổng giám đốc là người trực tiếp ký văn bản đề xuất Hội đồng thành viên và ông Sơn là người được phân công phụ trách công tác tài chính kế toán, kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Tập đoàn.
Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán gồm ông Ninh Văn Quỳnh, Trưởng ban là người trực tiếp quản lý, theo dõi và báo cáo lên Ban Tổng giám đốc về việc đề xuất cho tăng góp vốn…
Việc PVN góp vốn đợt 3 vào OceanBank (ngày 17.5.2011) làm tăng tổng số tiền góp vốn là 800 tỷ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ của OceanBank. Đây là thời điểm Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực (từ ngày 1.1.2011).
Tại khoản 2 Điều 55 của luật này quy định: Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Do vậy việc PVN tăng vốn đợt 3 vào OceanBank 100 tỷ đồng là trái với khoản 2 Điều 55.
Như vậy tổng số tiền góp của PVN tại OceanBank qua 3 lần là 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ của OceanBank. Số tiền góp vốn của PVN có nguồn gốc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Hiện nay, OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, đồng thời PVN chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại Oceanbank dẫn đến việc PVN phải ghi nhận một khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm ngày 31.8, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai: Mỗi dịp lễ, tết phải chi khoảng 30 - 50 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hội đồng xét xử hỏi: Cụ thể chi cho ai? Bị cáo Sơn nói đến cảm ơn ông Ninh Văn Quỳnh. Việc cảm ơn là thông qua đại diện để OceanBank đến với khách hàng. Có mặt tại phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, khi trả lời Hội đồng xét xử, ông Ninh Văn Quỳnh cho biết: Thực hiện thỏa thuận giữa PVN và OceanBank, PVN ủng hộ OceanBank để phát triển thành ngân hàng mạnh. Trong đó PVN chỉ đạo cho các đơn vị và các nhà thầu cùa Tập đoàn ủng hộ OceanBank qua hoạt động dịch vụ tiền gửi và thanh toán. Ông Quỳnh nhắc lại lời của bị cáo Hà Văn Thắm rằng, có những lúc cao điểm PVN và các đơn vị thành viên, các nhà thầu đã gửi tiền ở OceanBank lên đến 25.000 tỷ đồng. Ông Quỳnh phủ nhận việc cá nhân ông và lãnh đạo PVN nhận tiền từ Nguyễn Xuân Sơn. |