Dân Việt

NSƯT Thanh Tú và vai diễn không thể quên trong phim "Sao tháng Tám"

Hà Tùng Long 02/09/2017 13:00 GMT+7
NSƯT Thanh Tú từng ghi dấu ấn với vai Nhu trong bộ phim kinh điển “Sao Tháng Tám”. Tuy nhiên, sau vai diễn này bà đã quyết định đoạn tuyệt với điện ảnh vì sợ không thể có vai diễn nào thành công hơn.

Đã hơn 40 năm qua, bộ phim “Sao Tháng Tám” mà bà thủ vai chính vẫn chưa bao giờ bị lãng quên. Người ta vẫn nhắc tới những thước phim quý báu này như những trang sử đầy hào hùng của một giai đoạn lịch sử. Bà cảm thấy thế nào về điều này?

Tôi cảm thấy hạnh phúc vì bộ phim “Sao Tháng Tám” trở thành một bộ phim kinh điển của lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam. Năm nào, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 người ta lại mang ra chiếu.

Một phim chiếu màn ảnh rộng, hai tập, nói về người phụ nữ Hà Nội đi theo cách mạng rồi làm cán bộ cách mạng. Thời điểm đó, phụ nữ đi theo cách mạng mà làm lãnh đạo không phải là nhiều. Trong phim, chị Nhu lúc làm người nông dân, lúc là nhà sư, lúc là cô nữ sinh, lúc là công nhân nhà máy điện… Nghĩa là hóa thân thành rất nhiều tầng lớp và đối tượng khác nhau. Với một diễn viên, để gặp được một vai diễn đa sắc màu, đa tính cách, đa hoàn cảnh như thế không phải là dễ.

img

Nghệ sĩ Thanh Tú trong vai chị Nhu phim "Sao Tháng Tám".

Những ký ức của bà khi đóng vai Nhu trong bộ phim bây giờ ra sao?

Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của tôi, lĩnh vực điện ảnh là lĩnh vực tay trái, lĩnh vực sân khấu mới là nghề chính nhưng chính vai Nhu trong “Sao Tháng Tám” đã đưa tôi bước lên tới đỉnh cao nhất. Chính vai diễn này đã giúp tôi đạt được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Và cũng chính nhờ vai diễn này mà tôi bắt đầu biết đến Phật pháp. Ngày xưa, khi bắt tay vào đảm nhận một vai diễn nào, tôi nghiên cứu kỹ lắm.

Để có thể diễn cho ra hồn cảnh chị Nhu thâm nhập vào Phật giáo để truyền bá và giác ngộ lý tưởng cách mạng, tôi cũng phải tìm đến chùa Bà Đá (Hà Nội) nghe giảng pháp, học cách tụng kinh, học cách nói kệ… Để tụng được bài kinh trong “Sao Tháng Tám” tôi phải học thuộc lòng bài kinh đó và phải có những hiểu biết nhất định về Phật pháp. Mình không biết gì thì mình đóng vai ấy phải tội sẽ rất cứng nhắc và khiên cưỡng.

Tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm với những người làm chung với tôi trong bộ phim ấy. Kỷ niệm nhiều nhất là với đạo diễn Trần Đắc. Khi anh Trần Đắc bắt tay vào làm bộ phim này, có người giới thiệu cho anh ấy chị Trà Giang, chị Đoàn Lê đóng… nhưng đạo diễn Trần Đắc khăng khăng phải mời Thanh Tú. Ông giám đốc của nhà hát tôi lúc bấy giờ mới bảo: “Cô Thanh Tú trông cô hiện đại như thế, khuôn mặt như thế… làm sao đóng vai cán bộ cách mạng được”, nhưng đạo diễn Trần Đắc vẫn không đổi ý. Nếu hồi đó anh Trần Đắc không phải là cực kỳ nghiêm túc trong chuyện tình cảm thì chắc người ta đã nghĩ tôi cặp bồ với anh ấy nên mới được ưu tiên thế.

Những người thực hiện bộ phim ấy như: anh Trần Đắc, Hòa Tâm và chi Đức Hòa giờ đã đi xa, chỉ còn lại Thanh Hiền, Dũng Nhi, anh Mạnh Hùng (quay phim), Ngọc Linh (hoạ sĩ) là còn sống. Thỉnh thoảng, khi gặp lại nhau, chúng tôi vẫn thường nhắc nhớ về những tháng năm làm phim thời đó.

Vậy điều gì khiến bà dừng hẳn sự nghiệp điện ảnh sau khi đạt được thành công vang dội bởi vai diễn này?

Lúc đó, tôi dừng lại ở “Sao Tháng Tám” không tham gia phim tiếp vì nghĩ không có vai nào có thể giúp mình vượt qua được cái bóng của vai Nhu. Nếu tôi cứ tiếp tục đóng, tôi sẽ lặp lại chính mình hoặc thậm chí là đi thụt lùi. Nhà Phật quan niệm rằng, cuộc đời của con người sẽ vận hành theo quy luật “thành - trụ - hoại - không”. Mình đã thành rồi, trụ được rồi nếu mình đi tiếp sẽ hoại và về không. Mình nắm được nguyên lý đó thì cứ thế mà vận hành cuộc đời của mình thôi. Vì thế, tôi mới chuyển qua học đạo diễn. Sau này, tôi có đóng phim truyền hình trở lại nhưng đóng những vai khác với mình trước đây. Đó là vai những bà già cá tính, nhí nhảnh, hài hước, bảo thủ… như phim “Bà nội không ăn Piazza”, "Lời thú tội của Eva"...

img

Góc ảnh kỷ niệm của nghệ sĩ Thanh Tú tại ngôi nhà ở Hồ Tây. Ảnh: Tùng Long.

Chứ không phải vì những đổ vỡ trong hôn nhân nên khiến bà mất hết cảm hứng hoạt động nghệ thuật?

Ôi, càng chán nản, càng khổ đau, càng buồn thảm… thì hoạt động nghệ thuật càng tốt hơn chứ. Khi thất tình, khi buồn… tôi lại càng làm được những bài thơ tình rất hay.

“Mẹ sinh ra con, đa cảm với đời, đa tình với người/Thuyền trôi về xuôi, gió thổi về trời/Gió ơi, thuyền ơi, nhắn giùm tôi với/Mẹ ơi, con buồn…”. Có những đêm nằm một mình, tôi cứ tự hỏi: “Tại sao mình lại cứ phải một mình như thế này bao nhiêu năm nhỉ” và thế là tôi lại bật ra tứ thơ: “Giường rộng thế và đêm dài thế/Bạn tình ơi, dâu bể đổi thay/Có ai về kịp đêm nay/ Để cùng chia vợi đắng cay ngọt bùi”.

Vậy đến thời điểm này, bà cắt nghĩa sao về những khúc quanh trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình?

Nhạc sĩ Hồng Đăng là một người xem tử vi rất giỏi. Khi tôi đang ở đỉnh cao của điện ảnh lẫn sân khấu, anh Hồng Đăng có xem tử vi cho tôi. Anh bảo rằng: “Ơ, lạ nhỉ, mệnh của em là dạy học và đi tu”. Tôi bảo: “Anh vớ vẩn, em đang như thế này mà anh bảo em đi dạy học với đi tu”. Nhưng đúng mấy năm sau, sau khi tốt nghiệp ngành đạo diễn tôi lại được mời đi dạy.

Tôi dạy 4 năm ở khoa Sân khấu trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Bây giờ bật tivi lên toàn là học trò của tôi. Rồi tôi dạy cả bên Hội Phụ nữ TW và Hội phụ nữ TP. Hà Nội về thẩm mỹ. Tiếp đến là tôi quy y Phật và bắt đầu biết đến Phật pháp. Kể thế để thấy rằng, tất cả mọi thứ trong cuộc đời tôi đều vận hành theo đúng định mệnh.

Phải chăng vì thế mà bà bị thua thiệt hơn so với những bạn bè đồng nghiệp cùng trang lứa?

Người ta cứ bảo, sao tôi không làm giải thưởng nọ, giải thưởng kia hoặc chí ít cũng phải đạt được cái danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vì tôi quá thừa thành tích nhưng tôi bảo “thôi”. Mình được cuộc đời ban tặng cho như thế này là nhiều rồi. Tôi quan niệm, tổng không bao giờ đổi. Nghệ thuật mình đã được 6 điểm, con cái được 3 điểm nữa… vậy là suýt soát 9 điểm rồi.

Tôi nghĩ, mình được Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu thế là được rồi. Mình được nhiều quá con mình lại chẳng được gì. Mình được vinh quang nhiều quá sẽ ốm đau, bệnh tật… Như tôi bây giờ đã lớn tuổi nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, phóng xe vù vù trong khi bạn bè tôi “nhập kho” hết rồi. Có người trông trẻ như con búp bê nhưng khi nói chuyện người ta cười hết rồi 5 phút sau mình mới cười. Nhiều khi tôi cứ đùa, ai mà giới thiệu tôi là Nghệ sĩ Ưu tú là tôi giận cả tháng, cứ nghệ sĩ Thanh Tú là to lắm rồi.

img

Nghệ sĩ Thanh Tú ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Tùng Long.

Vinh quang cũng nhiều, đắng cay cũng lắm… nhưng bây giờ khi về già bà lại phải ở một mình. Bà nghĩ sao về câu “hồng nhan đa truân”?

Điều đó là đúng. Dù bây giờ tôi sống một mình nhưng luôn thanh thản với cuộc sống của mình. Dù lớn tuổi những tôi vẫn khát khao yêu, khát khao sống… và vẫn sống bám riết vào cuộc đời.

Tôi lúc nào cũng có nhu cầu tình cảm nhưng không bao giờ gặp được người đàn ông đúng nghĩa của cuộc đời mình. Người mình thích thì người ta thấy mình hơn họ quá, họ lại không thích. Người thích mình thì chỉ cần nói ra nửa câu là biết mình họ như thế nào rồi. Người có gia đình thì mình lại sợ gieo nghiệp. Người không có gia đình đến ở với mình thì mình lại không thích. Bây giờ tôi thích sống một cuộc sống tự do. Buồn thì gọi bạn bè đến chơi hoặc đi chơi cùng bạn bè. Nhiều năm nay tôi sống ở Hồ Tây là chủ yếu còn căn nhà dưới Triệu Việt Vương tôi đã cho thuê.

Tại sao bà lại không sống với các con mà lại sống một mình?

Tôi có hai người con, người con trai đầu hiện đang sinh sống và làm việc bên Pháp. Người con gái thứ hai hiện sống ở Hà Nội nhưng cũng đã có gia đình riêng. Tôi dễ tính nên sống như thế nào cũng được nhưng con không thích sống với mình thì cũng phải tôn trọng con. Ở đây, nhà của tôi rộng tới 200m2, tôi có dành phần phía trước cho con gái nếu con muốn về ở cùng nhưng con vẫn chưa có ý định đó. Và dù sống một mình nhưng tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn bởi bạn bè rồi người thân vẫn đến chơi với tôi thường xuyên. Tôi cũng vẫn đi đây đi đó mỗi ngày chứ không có ngồi một chỗ trong nhà như nhiều bạn bè cùng lứa.

Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.