Sáng 2.9,Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công nhà máy ô tô Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng, quy mô nhà máy 355ha và công suất đến năm 2025 là 500.000 xe/năm. Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện với tỷ lệ hoá lên đến 60%.
Lễ khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast (Ảnh Internet)
Tập đoàn Vingroup sẽ hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để phát triển công nghiệp trụ trợ, cùng sản xuất và phát triển linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hoá 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu.
Như vậy sau 6 lĩnh vực: bất động sản (Vinhome), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmex), nông nghiệp (VinEco), bán lẻ (Vinmart), tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng chính thức bước chân vào lĩnh vực thứ 7- công nghiệp nặng với thương hiệu ô tô Việt Vinfast.
Câu chuyện thuế trong sản xuất ô tô thương hiệu Việt
Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng kỳ vọng gì khi bước vào lĩnh vực ô tô vào thời điểm nhiều hãng lắp ráp đã giảm mạnh giá bán trong những tháng gần đây, còn ngành công nghiệp ô tô vẫn u ám với những cái chết đầy uất ức của những đại gia Việt ôm giấc mơ ô tô “made in Việt Nam”?
Câu chuyện đại gia Bùi Ngọc Huyên thất bại với giấc mơ ô tô Việt mang thương hiệu Vinaxuki và gánh khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng vì những chính sách chung chung, chẳng giống ai và không có tính đột phá đã tốn không ít giấy mực của báo giới và chuyên gia.
Từng chia sẻ với báo giới, ông Bùi Ngọc Huyên cho rằng gần 10 năm qua, đã có doanh nghiệp ô tô Việt Nam đầu tư hướng tới việc sản xuất xe mang thương hiệu Việt giá rẻ, nhưng cuối cùng thất bại. Vấn đề chính là các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất ô tô đã không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước.
Ông Huyên đã không ít lần đề nghị cơ quan quản lý về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 50% nếu tỷ lệ nội địa hoá đạt trên 50%. Tuy nhiên, chỉ có Bộ Công thương đồng tình, còn Bộ Tài chính thì không. Trong khi các nước khác khi tỷ lệ nội địa hoá tăng, thuế sẽ được giảm.
Có một thực tế, các nước trong khu vực đã có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Chẳng hạn để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thân vỏ, máy móc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Ở nhiều nước doanh nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi, nếu làm động cơ lại được vay tiếp. Trong khi ở Việt Nam, chính sách này chưa có. Tại Thái Lan hàng năm Chính phủ thường trích 12% số tiền thu từ ô tô để đầu tư lại cho ngành, nhưng Việt Nam thu xong là thôi, không thấy có đầu tư trở lại.
Sự thất bại của Vinaxuki và nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khác trong nước cho thấy sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô là do các bộ ngành chưa thống nhất với nhau. Bộ Công Thương muốn phát triển ngành ô tô nhưng Bộ Tài chính lại đòi đánh thuế, phí rất cao như một kiểu bảo hộ cho nhóm doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực ô tô.
Nhưng tại sao một nước có gần 95 triệu dân lại không thể có một thương hiệu ô tô “made in Việt nam”? Chẳng lẽ “giấc mơ ô tô Việt” mãi chỉ là một giấc mơ?
Đến đón đầu cơ hội thuế ô tô nhập khẩu
Tuy nhiên, câu chuyện về thuế phí cao sẽ bắt đầu chấm dứt từ năm 2018, khi thuế ô tô nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%. Đến khi đó liệu các tập đoàn ô tô lớn có còn coi Việt Nam là nơi để đầu tư nữa không? Mục tiêu của họ là lợi nhuận, chứ không quan tâm tới ngành công nghiệp ô tô của nước nào cả. Nếu thấy không cạnh tranh được, không còn bảo hộ họ sẽ chuyển sang thị trường khác có lợi hơn.
Mà chẳng cần đợi đến năm 2018, khi thuế xe trong ASEAN mới giảm thêm 10% từ năm 2017, ô tô nhập đã ùn ùn về. Tổng số xe dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam trong 1,5 tháng lên tới gần 8.000 chiếc, cao hơn 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu từ khu vực ASEAN.
Lộ trình giảm thuế và sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô phần nào cho Chính phủ thấy sự cần thiết phải hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Vingroup đầu tư sản xuất ô tô đúng thời điểm chính sách cho ngành công nghiệp ô tô bắt đầu có sự chuyển biến về nhận thức.
Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước theo tỷ lệ nội địa hoá (tức là các linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt). Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá với xe 9 chỗ ngồi được đặt mục tiêu là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, song đến nay mới đạt tỷ lệ bình quân 7-10%.
Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vương viết tiếp giấc mơ ô tô Việt (Ảnh: Internet)
Bộ Tài chính cũng thống nhất với quan điểm trên và đề xuất, tính tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước, tức là miễn thuế theo tỷ lệ nội địa hoá.
Rõ ràng, Vingroup khi quyết định bước vào lĩnh vực công nghiệp ô tô, tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng đã đón đầu chính sách. Quan trọng hơn, đó là tình thần tự tôn dân tộc.
Cùng với đó, Vingroup vừa tăng vốn của Vinfast từ 700 tỷ đồng lên 5.250 tỷ đồng. Đây chính là yếu tố quyết định thành công của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng và Vingroup trong 6 lĩnh vực trước đây. Có lẽ đã đến thời điểm hiện thực hoá giấc mơ ô tô “made in Việt Nam”.
Trao đổi với Bloomberg, bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó chủ tịch Vingroup tiết lộ, vốn đầu tư cho giai đoạn I dự án Vinfast lên đến 1-1,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cho cả cụm nhà máy có thể lên tới 3,5 tỷ USD. Vingroup cho biết, ngân hàng đầu tư Credit Suisse sẽ thu xếp nguồn vốn vay 800 triệu USD cho nhà máy này. Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất một mẫu sedan 5 chỗ và một mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện với công suất 100.000-200.000 xe/năm. Các cấu phần quan trọng như động cơ và hệ thống kết cấu chính sẽ được mua thiết kế từ những nhà thiết kế hàng đầu châu Âu và Mỹ. Riêng phần kiểu dáng xe được sáng tạo bởi các studio danh tiếng của Italy. |