Nhật Bản
Lễ khai giảng đơn giản ở Nhật Bản. (Ảnh: Flickr).
Ngày khai giảng ở Nhật Bản sẽ do từng trường tự quyết định rồi thông báo với học sinh. Không cờ hoa rợp trời, không có bàn ghế đại biểu, không có phông màn, không có loa đài ầm ĩ, không có bục sân khấu trang hoàng, càng không có những bài phát biểu dài dòng....
Bài phát biểu của các hiệu trưởng cũng rất giản dị với 3 điều nhắc nhở dành cho các học sinh, đó là tôn trọng luật lệ giao thông, lễ phép và biết đặt mục tiêu trong học tập. Một buổi lễ khai giảng nhẹ nhàng và tiết kiệm tối đa hết mức. Các thủ tục hành chính về phía phụ huynh và gia đình học sinh được loại bỏ hoàn toàn.
Triều Tiên
Lễ khai giảng được tổ chức trang trọng ở Triều Tiên. (Ảnh: NKnews).
Các trường học tại Triều Tiên tổ chức lễ khai giảng vào ngày 1.4 hàng năm bằng lễ đón học sinh. Vào ngày này, cha mẹ sẽ mặc đồng phục mới và cài bông hoa đỏ lên ngực các em.
Lý do Triều Tiên chọn ngày 1.4 làm ngày khai giảng năm học mới được cho là do đây là thời điểm khu vực phía bắc bán đảo Triều Tiên chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, phù hợp cho cây cối đâm chồi nảy lộc và lễ khai giảng là phép ẩn dụ với ý nghĩa trẻ em Triều Tiên là mầm non của đất nước.
Hàn Quốc
Lễ khai giảng nhiều màu sắc tại Hàn Quốc.
Ở Hàn Quốc, lễ khai giảng thường được tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 3, với mong muốn mùa xuân sẽ mang đến nhiều khởi đầu tốt đẹp cho các em học sinh. Vào ngày lễ này, các học sinh tham gia một buổi lễ gặp mặt toàn trường, được các thầy cô giáo tặng hoa và nói những lời chúc mừng. Một số nơi còn cho học sinh chuẩn bị những quả bóng bay có gắn điều ước, kết thúc buổi lễ học sinh sẽ thả bóng lên trời với nguyện vọng ước mơ của mình sẽ bay cao.
Nga
Lễ khai giảng kết thúc với tiếng chuông reo đầu tiên của năm học mới. (Ảnh: Sputnik).
Ngày 1.9 hằng năm, còn được gọi là Ngày tri thức, đánh dấu ngày khai giảng năm học mới ở Nga. Trẻ em mang theo hoa để tặng thầy cô giáo và tham dự một buổi lễ đặc biệt. Buổi lễ kết thúc với tiếng chuông reo để tượng trưng cho "chuông đầu tiên" của năm học mới.
Nếu ngày 1.9 rơi vào ngày thứ Bảy, học sinh vẫn phải đi dự lễ và các lớp học thực tế sẽ bắt đầu vào thứ Hai. Thời gian biểu của các học sinh Nga khá tương đồng với Việt Nam: bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 5 năm sau.
Ukraine
Học sinh tham dự lễ khai giảng tại Kiev. (Ảnh: Shutterstock).
Giống như ở Nga, học sinh Ukraine sẽ tổ chức lễ khai giảng vào ngày 1.9, nhưng những năm gần đây do tình hình đất nước bất ổn nên nhiều ngôi trường đành bỏ qua nghi thức này. Với những học sinh may mắn được đi học, các em thường mặc trang phục truyền thống đẹp mắt, háo hức cầm hoa tới trường dự lễ khai giảng.
Trung Quốc
Học sinh Trung Quốc vui mừng nhận sách trong ngày khai giảng. (Ảnh: News.cn).
Học sinh Trung Quốc cũng khai giảng vào ngày đầu tiên của tháng 9. Vào ngày này, các em thường tập trung ở sân trường, được các thầy cô giáo tặng một cuốn từ điển, lấy sách giáo khoa rồi trở về lớp học.
Mỹ
Ngày đầu tiên của năm học mới tại Mỹ cũng là ngày học bình thường. (Ảnh: Internet).
Mỹ không có ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường” như Việt Nam. Thời gian tựu trường vào tháng 8 hoặc tháng 9, tùy thuộc quy định tại mỗi bang. Nhiều trường học ở Mỹ không tổ chức lễ khai giảng. Trong ngày đầu tiên của năm học mới, học sinh và sinh viên lên lớp bình thường.
Đức
Trẻ em Đức trong ngày khai trường sẽ được bố mẹ hoặc ông bà đưa cho một chiếc nón lớn to gần bằng người trẻ, được trang trí nhiều màu sắc, bên trong chất đầy kẹo, sô cô la, đồ chơi và dụng cụ học tập. (Ảnh: DW).
Lịch khai trường ở Đức tùy thuộc điều kiện từng bang để tránh tình trạng ách tắc giao thông. Thông thường, năm học mới bắt đầu vào tháng 8 hoặc đầu tháng 5. Ở Đức người ta chỉ quan tâm tới lễ khai giảng cho học sinh lớp Một. Họ quan niệm, đó là một ngày quan trọng nhất, trong đời một con người đi học. Chính vì thế, năm lớp Một, họ tổ chức trân trọng, nhưng ngắn gọn, nhiều ý nghĩa. Từ lớp 2 trở lên, ngày khai trường cũng giống những ngày học khác.
Việt Nam
Ở Việt Nam, ngày 5.9 là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Ngày khai trường có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với học sinh mà với cả phụ huynh và cả cộng đồng.
Lễ khai giảng năm học mới ở Việt Nam.
Kể từ năm học 2015-2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo ngành GD-ĐT về việc chọn một thời khắc khai giảng đồng loạt cả nước, làm đúng nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn rồi dành thời gian cho giáo viên và học sinh. Lễ khai giảng tại nhiều trường đang được đổi mới theo hướng lấy học sinh làm trọng tâm.
Trong năm học này, Sở GD-ĐT TP.HCM thống nhất tổ chức lễ khai giảng tại tất cả các trường vào lúc 7h30 sáng 5.9. Lễ khai giảng bao gồm phần “lễ” và “hội”, được tổ chức chu đáo, ngắn gọn, tiết kiệm.
Trong đó, phần "lễ" được tổ chức các nghi thức: Chào cờ, hát quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng của hiệu trưởng, đánh trống khai trường và khen thưởng cá nhân, tập thể xuất sắc lồng ghép tổ chức lễ đón học sinh đầu cấp (lớp 1, 6 và 10).
Riêng phần "hội", Sở cũng khuyến khích các trường tổ chức nhiều hoạt động vui tươi, bổ ích và lành mạnh như trò chơi dân gian, văn nghệ, hoạt động văn hóa... nhằm tạo không khí phấn khởi, ấn tượng cho tất cả học sinh về ngày khai trường thiêng liêng, nhất là với các em lần đầu đến trường.