Ngựa là động vật được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc chiến, nhất là chiến tranh thời cổ. Ngựa trong chiến tranh được gọi là ngựa chiến hay chiến mã. Ngựa gắn với lịch sử chiến tranh một cách lâu dài của loài người, trong các cuộc chiến xưa kia ở Việt Nam, ngựa là chiến binh quen thuộc. Những con ngựa phục vụ cho chiến tranh ở Việt Nam phải nhắc đến là ngựa nội hay còn gọi là ngựa nội địa, ngựa địa phương hay ngựa Việt, ngựa Việt Nam, là những giống ngựa tại Việt Nam gồm những giống ngựa thuần chủng hoặc giống ngựa lai tạo, phổ biến ở các vùng đồi núi trung du phía Bắc Việt Nam. Ảnh: Wiki
Ngựa nội phân bố rải rác khắp cả nước như ngựa Bắc Hà, ngựa Phú Yên, ngựa Đà Lạt, ngựa cỏ miền Nam. Chúng thuộc nhóm ngựa giống lùn, có tầm vóc thấp bé, chủ yếu sử dụng vào việc thồ, kéo phù hợp với địa hình hiểm trở, thích nghi với khí hậu, chống chịu được bệnh tật, chịu kham khổ. Ngựa chiến chủ yếu phục vụ cho các vị tướng chứ không phổ biến trong binh lính. Những danh tướng Việt Nam khi cưỡi ngựa tung hoành chiến địa không hề thua kém các tướng tá phương Bắc.
Hình ảnh những dũng tướng trên lưng ngựa phi nước đại ra sa trường là biểu tượng của sức mạnh, sự thần tốc và lòng kiêu hãnh. Từ cổ chí kim, nhiều võ tướng, danh tướng luôn được tái hiện rất dũng mãnh trong hình ảnh cưỡi ngựa xông pha trận mạc. Ở chiến trường, người ta coi trọng vai trò của ngựa sánh ngang với con người, ngựa được coi là chiến mã và bảo mã là sinh mệnh của võ tướng. Ảnh: Tượng đài Phù Đổng Thiên Vương của Việt Nam đang cưỡi ngựa sắt
Người Việt luôn ý thức được vai trò, sức mạnh của con ngựa trong chiến tranh. Các triều đại phong kiến Việt Nam ý thức rõ sức mạnh và tầm quan trọng của ngựa nên đặt ra cơ quan để chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện đó là Viện Mã chính. Ảnh: Tượng ngựa chiến Việt Nam thế kỷ thứ X
Ngựa đực có tầm vóc thấp nhỏ nhưng xương thịt, gân cốt kết cấu tương đối vững chắc, gọn gàng, khi trưởng thành có khối lượng 150-170kg. Kích thước của ngựa đực lớn hơn ngựa cái một chút.
Giống ngựa Việt Nam được nuôi nhiều ở các tỉnh như Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, và nuôi với số lượng ít hơn ở các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Bắc Giang...
Các giống ngựa Việt Nam thường là ngựa địa phương thuần chủng, trừ một số rất ít ở gần các trại hoặc các trạm truyền giống hồi thuộc Pháp có lai với ngựa Arập và một số ít ngựa ở các tỉnh gần biên giới Việt Trung có pha tạp ngựa Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc).
Lông giống ngựa này thay đổi màu sắc theo mùa vụ, điều kiện thời tiết để thích hợp với ngoại cảnh. Mùa hè lông ngắn và bóng mượt, còn mùa đông lông dài và thô.
Ngựa có dạng hình chữ nhật, chiều cao và chiều dài tương đương nhau, hoặc chiều dài hơn chiều cao một ít, mép trên ở cổ ít chếch, ở tư thế nằm ngang nhiều hơn làm cho ngựa có vẻ dài hơn.
Nhìn bán diện, vai, bụng mông của giống ngựa Việt Nam phình ra, còn sau vai và hông thì co lại, lưng hơi võng.
Ngựa cái tương tự ngựa đực nhưng ít thô hơn. Các màu chủ yếu của giống ngựa Việt Nam là vàng, vàng nhạt, vàng thẫm, hồng, nâu, tía, xám... Lông bờm, đuôi và tứ chi ngựa thường có màu đen hoặc hơi thẫm hơn màu lông của mình. (Nguồn ảnh trong bài: Wiki)