Dân Việt

Hành trình công nữ Ngọc Vạn trở thành vương hậu nước Chân Lạp

Huyền Trang 06/09/2017 19:30 GMT+7
Công nữ (công chúa) Ngọc Vạn là một trong những nàng công chúa có ảnh hưởng nhất lịch sử Việt Nam. Năm 1620, bà được gả cho vua Chân Lạp trở thành vương hậu của nước Chân Lạp.

Công chúa (công nữ) Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, không rõ năm sinh, năm mất, là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi: 1613-1635). Bối cảnh lịch sử lúc này, tuy nhà Lê vẫn là vương triều chính thống, tuy nhiên quyền lực thực sự nằm trong tay Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vì vậy, một số tài liệu gọi bà là công nữ (con chúa), chứ không gọi là công chúa (con vua).

Hành trình trở thành vương hậu nước Chân Lạp

img

 Ảnh minh họa.

Vào năm 1620, Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II và trở thành Hoàng hậu nước này với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac.

Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Đồng thời, cuộc hôn nhân cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Vậy tại sao các sử gia triều Nguyễn lại làm ngơ không nhắc đến, hoặc có nhắc đến thì cũng nhắc một cách chiếu lệ, hững hờ đối với người đàn bà đóng góp công đầu trong cuộc Nam tiến vĩ đại này? Người đó là ai? Chính là Công nữ Ngọc Vạn!

Trước khi bị gả cho quốc vương nước Chân Lạp thì công nữ Ngọc Vạn vốn nổi tiếng là người con gái tài sắc vẹn toàn. Công nữ đã hứa hôn cùng với chàng trai trẻ tuấn tú, văn võ song toàn là Trần Đình Huy, con trai của một dòng dõi anh hùng hào kiệt, gần gũi với nhà chúa Nguyễn.

Tuy nhiên, vì đất nước nên công nữ Ngọc Vạn đã chấp nhận gác chuyện tình riêng lại để kết hôn với quốc vương nước Chân Lạp.

Đối với vua Chey Chetta II( quốc vương nước Chân Lạp) hy vọng rằng cuộc hôn nhân này sẽ mở rộng mối quan hệ bang giao của 2 nước, cũng đồng thời làm điểm tựa vững mạnh về quân sự, chính trị để đảm bảo cho đất nước mình được hòa bình.

Như vậy Chúa xuống chiếu ra lệnh cho Công nữ Ngọc Vạn kết hôn với vua Chân Lạp, Chey Chetta II.

Những chuyển biến trong quan hệ hai nước nhờ có công nữ Ngọc Vạn

Vua Chey Chetta II phong cho Ngọc Vạn làm vương hậu của Chân Lạp với tước hiệu cao quý là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac.

Bà hoàng hậu (công nữ Ngọc Vạn) đem nhiều người Việt đến nước Chân Lạp, có người được giữ chức hệ trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và mở nhiều nhà buôn bán gần kinh đô.

Vua Chey Chetta II cũng đã cho một số người Việt đi theo công nữ sang Chân Lạp giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Cùng với đó, nhà vua Chey Chetta II cũng ưu ái cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.

Đặc biệt vào năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong, yêu cầu được lập sở thuế ở Prey Nokor, tức Sài Gòn ngày nay và đặt ở đây một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta II chấp thuận, và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đây làm ăn, rồi lấy cớ giúp chánh quyền Chân Lạp giữ gìn trật tự, còn phái một tướng lãnh đến đóng ở Prey Nokor nữa.

Thế nhưng, biến cố lớn đã vô tình ập đến với công nữ Ngọc Vạn

Năm 1928, vua Chey Chetta II đã băng hà. Ngay sau đó chính trường Chân Lạp trở nên biến động dữ dội vì việc tranh đoạt ngôi vua.

Con của Chey Chetta II với Công nữ Ngọc Vạn là Chau Ponhea To lên kế vị vua cha theo truyền thống với sự phò tá của người chú là Preáh Outey. Song Chau Ponhea To chỉ mới làm vua được 2 năm thì đã bị người chú Preáh Outey giết chết. Sau đó, con thứ 2 của Chey Chetta II với công nữ Ngọc Vạn tiếp tục lên ngôi vua lấy vương hiệu là Ponhea Nu. Đến năm 1640, vua Ponhea Nu đột ngột băng hà.

Mặc dù có hai người con đều đã mất nhưng công nữ Ngọc Vạn vẫn là Thái Hậu. Sau hơn 50 năm sống trong triều đình Chân Lạp, Thái hậu Ngọc Vạn đã theo vua Ang Non làm vua Thủy chân Lạp tại vùng đất Sài Gòn ngày nay. Sau đó bà lui về sống ở Bà Rịa. Nơi đây, bà cho lập chùa Gia Lào, núi Chứa Chan, Đồng Nai rồi ẩn tu cho đến hết đời.

Theo nhiều ý kiến, sở dĩ các sử gia triều Nguyễn tránh nêu rõ những công trạng của Ngọc Vạn là vì quá trọng quan niệm chính nhân quân tử mà bỏ qua công lao của một người, đặc biệt là một người đàn bà, qua một quá trình hơn năm mươi năm chịu đau khổ, chịu cô đơn, lao tâm khổ trí.