Cánh đồng lớn nhiều thuận lợi
Từ năm 2014 đến nay, mô hình “cánh đồng lớn” (CĐL) đã được triển khai tại 4 xã: Long Thuận, Long Thành, Long Thạnh và Mỹ Lạc của huyện Thủ Thừa với tổng diện tích 2.962,64ha, thu hút 1.763 hộ tham gia. Qua 4 năm thực hiện, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, minh chứng là diện tích và số hộ tham gia ngày càng tăng.
Nông dân thăm ruộng trong cánh đồng lớn ở Thủ Thừa. Ảnh: PHẠM NGÂN
Trong năm 2017, huyện Thủ Thừa đã phối hợp Công ty TNHH MTV Công Thành – Út Hạnh (phường Tân Khánh, TP.Tân An) thực hiện 2 CĐL tại xã Long Thuận và Mỹ Lạc với diện tích 1.124,8ha của 537 hộ nông dân. Trong đó, vụ đông xuân 2016-2017 triển khai tại Long Thuận và Mỹ Lạc là 667ha với 323 hộ dân tham gia; vụ hè thu 2017 tại Long Thuận là 457,8ha với 214 hộ dân tham gia.
Chủ tịch UBND xã Long Thuận – ông Nguyễn Thành Tài cho biết: “Long Thuận là xã đầu tiên của huyện tổ chức thực hiện CĐL từ vụ hè thu năm 2014 tại ấp 4 vì đáp ứng đủ các điều kiện về thủy lợi nội đồng với diện tích 93,6ha với 66 hộ dân tham gia. Ban đầu, người dân còn bỡ ngỡ, chưa mạnh dạn thực hiện nhưng khi được tuyên truyền, vận động hiểu rõ lợi ích của việc tham gia CĐL, được bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra, được hỗ trợ kỹ thuật canh tác nên bà con đồng tình hưởng ứng và duy trì đến hiện tại”.
Ông Phùng Văn Thanh ngụ ấp 4 xã Long Thuận chia sẻ: “Tôi có 2ha trong CĐL của xã. Khi tham gia CĐL, nông dân giảm được lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun và lượng phun thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, lợi nhuận của người dân trong CĐL cao hơn từ 2,5-3 triệu đồng/ha so với sản xuất bình thường”.
Tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân trồng lúa bớt lo tình trạng thương lái ép giá. Ảnh: Ngọc Hân
Trong CĐL, các hộ tham gia được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ có 1 tổ trưởng phụ trách cùng đại diện các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp (DN) tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thăm đồng hàng tuần, định giá thu mua sản phẩm. Do đó, người dân không còn lo tình trạng bị thương lái ép giá, vừa tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, vừa bảo đảm đầu ra.
Ông Hà Văn Thượng - cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu Công ty TNHH MTV Công Thành – Út Hạnh thông tin: “DN cam kết thu mua lúa của CĐL với giá cao hơn giá thị trường từ 50-150 đồng/kg lúa tươi. Ngoài ra, chúng tôi đầu tư hệ thống sấy, hợp đồng phương tiện chuyên chở, kho bãi, liên kết máy liên hợp thu hoạch bảo đảm tốt công tác thu mua. Sau khi cân lúa từ 2-3 ngày, DN thanh toán đầy đủ tiền cho nông dân”.
Khi thực hiện CĐL, DN sẽ có vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với thị trường, tăng khả năng cạnh tranh do kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Nông dân được tập huấn kỹ thuật từ khâu làm đất đến lúc thu hoạch, sản phẩm làm ra được DN bảo đảm bằng hợp đồng bao tiêu...
Còn không ít khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai CĐL còn gặp nhiều trở ngại nên đến nay, chỉ còn duy nhất 1 DN tham gia mô hình này tại xã Long Thuận. Khuyến nông viên xã Mỹ Lạc - anh Võ Văn Mười cho biết: “Xã Mỹ Lạc tham gia xây dựng CĐL từ năm 2015. Mô hình này mang lại rất nhiều lợi ích, nhất là với nhà nông vì được trang bị kiến thức kỹ thuật canh tác, bảo đảm đầu ra nông sản. Tuy nhiên, DN gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, ảnh hưởng kinh tế nên không thể đầu tư tiếp. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành hỗ trợ kêu gọi DN tiếp tục triển khai xây dựng CĐL tại địa phương”.
Việc triển khai CĐL còn gặp nhiều trở ngại nên đến nay chỉ còn duy nhất 1 DN tham gia mô hình này tại xã Long Thuận. Ảnh: Ngân Hân
Theo ông Nguyễn Văn Chót - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thủ Thừa, trở ngại lớn nhất của việc thực hiện CĐL là mời gọi DN tham gia thực hiện. Trong thời gian qua, việc xuất khẩu gạo của DN gặp nhiều khó khăn, ngoài ra kho chứa bảo quản lúa và nhà máy chế biến còn hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn chưa đồng bộ nên việc vận chuyển vật tư nông sản, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng chưa bảo đảm.
Với nông dân, một số trường hợp còn canh tác theo tập quán cũ, chưa tuân thủ tốt quy trình hướng dẫn và tham gia các buổi tập huấn. Việc ghi chép sổ tay sản xuất theo hướng VietGAP cũng không đầy đủ. Đặc biệt là một vài hộ dân chưa thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết, bán lúa cho thương lái bên ngoài gây khó khăn cho DN.
Chủ trương xây dựng CĐL nhằm tổ chức lại sản xuất, trên cơ sở liên kết 4 nhà giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà DN. Qua đó, tập hợp nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thành những tập thể nông dân có CĐL, thuận lợi cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp đầu ra ổn định, tăng thu nhập.
Để duy trì hiệu quả từ CĐL, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa - ông Dương Văn Tuấn cho biết: “Trong năm 2018, Thủ Thừa sẽ tiếp tục xây dựng mô hình CĐL gồm các giống lúa: Nếp IR 46-25 và nếp 84, lúa thơm RVT, IR50404 với diện tích 4.000ha với 3.010 hộ dân của 10 xã tham gia. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi DN uy tín, đủ năng lực đầu tư. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát. Những trường hợp nông dân không thực hiện đúng cam kết cần loại khỏi mô hình. Ngược lại, nếu nông dân tuân thủ đúng quy trình mà xảy ra thiệt hại thì DN phải có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Từ đó, phát huy tối đa tính hiệu quả trong việc giảm chi phí và nâng cao chất lượng nông sản của CĐL”.
Khi xây dựng mô hình CĐL, các bên tham gia đều thụ hưởng lợi ích thiết thực, đặc biệt đối với nông dân. CĐL là hình thức sản xuất tiến bộ, mang yếu tố đoàn kết, cộng đồng và tạo hiệu quả kinh tế cao, nhiều bên cùng có lợi. Chính vì thế, mô hình này rất cần được duy trì, nhân rộng để mang lại hiệu quả cao hơn nữa. |