Dân Việt

“Bùng nổ” nhà máy nhiệt điện ở miền Tây

Huỳnh Xây 07/09/2017 06:29 GMT+7
Để phát triển năng lượng bền vững ở ĐBSCL, cần giảm bớt nhiệt điện và thay vào đó là phát triển năng lượng tái tạo.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, ngành chức năng tại hội thảo nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” do Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa phối hợp tổ chức tại TP.Cần Thơ.

img

ĐBSCL sẽ gặp nhiều thách thức khi có nhiều nhà máy nhiệt điện (Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải
- tỉnh Trà Vinh).  Ảnh: HUỲNH XÂY

Bất cập từ các nhà máy nhiệt điện

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA), ở ĐBSCL, có 14 nhà máy nhiệt điện đã và sẽ được đầu tư. Các nhà máy này có công suất rất lớn, trong đó nhỏ nhất là 600 MW và lớn nhất là 2.000 MW (tức gần bằng công suất Nhà máy Thủy điện Sông Đà với 2.400 MW). Nếu tính tổng công suất của 14 nhà máy thì có gần 20.000 MW.

Với số lượng nhà máy trên và công suất tương đương, ông Duệ cho rằng: “Đây là một kịch bản rất không bền vững và gặp thách thức lớn. Nguyên nhân là do nguồn than trong nước đang ngày càng cạn kiệt, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu”.

TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cảnh báo: “Nhiệt điện than là mối nguy cho môi trường và sức khỏe con người tại ĐBSCL. Nước xả thải của nhà máy nhiệt điện có nhiệt độ cao hơn bình thường nên có thể làm sản lượng cá sinh sống ven biển sụt giảm nghiêm trọng và hàng loạt rừng ngập mặn bị phá hủy. Còn khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện than có thể tạo ra nhiều căn bệnh nguy hiểm”.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng (Viện Năng lượng - Bộ Công Thương), tổng công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL hiện lớn hơn nhu cầu rất nhiều. Đặc thù của ngành điện là phát cho toàn bộ hệ thống lưới điện quốc gia, chứ không phải chỉ để sử dụng tại chỗ. Vì vậy, do công suất của các nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL rất lớn nên được truyền tải lên cho cả nước, trong đó chủ yếu khu vực TP.HCM.

Nên thay dần bằng năng lượng tái tạo

Cũng tại hội thảo trên, ông Duệ đặt câu hỏi: “Với tình hình phát triển nhiệt điện nhiều như ĐBSCL, nên chăng kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển điện đối với ĐBSCL?”.

Về mặt lý thuyết, Việt Nam có thể phát triển đến 9,1 triệu MW năng lượng tái tạo, cao hơn rất nhiều so với tổng công suất của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam (tính đến năm 2016 là hơn 41.000 MW).

Theo nhiều đại biểu, nên giảm bớt nhiệt điện, tăng năng lượng tái tạo ở ĐBSCL vì nơi này có nhiều tiềm năng. “Nếu ĐBSCL nỗ lực, có cơ sở phát triển được năng lượng tái tạo, thì không có lý do gì không giảm bớt nhiệt điện”- ông  Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) đưa ra giải pháp.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - cố vấn cao cấp về thể chế, chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) cũng nhận định, quy hoạch phát triển điện của ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung nên tiếp tục được cập nhật theo hướng giảm điện than và thay vào bằng năng lượng tái tạo. “Cần đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm năng lượng” - ông Khánh lưu ý.

Được biết, tuy tiềm năng lớn nhưng hiện nay phát lượng tái tạo của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Tính đến cuối năm 2016, chỉ có 159 MW điện gió được nối lưới điện và điện mặt trời chỉ mới đầu tư được 6 MW, trong đó, chỉ có 0,18 MW được đấu nối vào lưới điện... Theo nhiều đại biểu, để phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh muốn giảm nhiệt điện ở ĐBSCL, cần phải nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề vốn, công nghệ, thị trường mua bán điện…