Dân Việt

Mỹ- Triều Tiên: Cuộc so găng không hồi kết

Thanh Minh 07/09/2017 19:15 GMT+7
Thật không may, đàm phán phi hạt nhân trên bán đảo vẫn đang bế tắc, đó là lý do dẫn đến cuộc “so găng” giữa Triều Tiên và Mỹ chưa có điểm dừng.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 và đây có thể là một quả bom nguyên tử được phát triển chứ không phải là loại bom H (hydrogen) như tuyên bố của Bình Nhưỡng và cũng không có bằng chứng cho thấy vũ khí này đã được thu nhỏ trên đầu đạt tên lửa. Tuy vậy, cuộc thử nghiệm của Triều Tiên vừa qua đã gây chấn động mạnh, là dấu hiệu cho thấy chương trình hạt nhân Triều Tiên thực sự nguy hiểm.

Dưới góc nhìn của giới chuyên gia, chính những diễn biến ở Triều Tiên và động thái bất chấp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phần nào thể hiện sự thất bại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặc dù đói nghèo và gần như biệt lập so với thế giới, nhưng Triều Tiên đã làm rúng động các chuyên gia quân sự về những tiến bộ đáng ngạc nhiên trong công nghệ hạt nhân và tên lửa.

Mặc dù tất cả các dự đoán chỉ mới là phỏng đoán, nhưng việc Bình Nhưỡng có thể trở thành một cường quốc hạt nhân có thể ngăn cản cả nước Mỹ cũng không phải là không có cơ sở.

Nhưng việc Triều Tiên có được bom H có ý nghĩa gì? Giới chuyên gia cho rằng điều đó không có nghĩa là Kim Jong-un có ý định gây chiến với Mỹ. Thay vào đó, ông Kim hy vọng sẽ ngăn Washington tấn công Triều Tiên. 

 Thật không may, đàm phán phi hạt nhân trên bán đảo vẫn đang bế tắc, đó là lý do dẫn đến cuộc “so găng” giữa Triều Tiên và Mỹ chưa có điểm dừng. Triều Tiên đã đầu tư quá nhiều và quá gần với việc tạo ra một rào chắn hạt nhân. Đối với mục tiêu bảo vệ chế độ đến cùng dù là bị cô lập thì bây giờ việc ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân dường như là điều không tưởng.

Hơn nữa, ngày nay Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với các thách thức khó khăn lớn hơn bao giờ hết: Hàn Quốc đã tiếp tục tiến lên phía trước về kinh tế, và Mỹ- đương nhiên là đang tiến triển mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, trong khi Trung Quốc và Nga là những người bạn đã cứng rắn hơn nhiều so với trước. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 7.9 tuyên bố Bắc Kinh sẽ ủng hộ việc Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra thêm những biện pháp chống Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân của nước này hôm 3.9. 

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, ông Vương nói: "Do những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc nhất trí rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần có phản ứng tiếp theo bằng việc đưa ra những biện pháp cần thiết". Ngoài ra, theo quan chức này, các biện pháp trừng phạt chỉ là một nửa giải pháp và phải được kết hợp với đối thoại và đàm phán. Trước đó, Mỹ đã đề nghị LHQ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ sau vụ thử hạt nhân mới nhất và mạnh nhất của Bình Nhưỡng.

img

Mặc dù sự khăng khăng của Tổng thống Mỹ cho rằng "tất cả các lựa chọn đều nằm trên bàn", thì vẫn không có lựa chọn quân sự nào khả thi về mặt chính trị. Xét về mặt nào đó, Mỹ có thể cố gắng để phá hủy các cơ sở hạt nhân và các trang bị tên lửa cũng như tấn công vào chính quyền Kim Jong Un. Tuy nhiên, Washington có thể không biết vị trí của tất cả các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, và những gì mà Mỹ biết có thể chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Hơn nữa, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào từ Mỹ có thể sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh đúng nghĩa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo rằng bất kể mối đe dọa nào do Triều Tiên gây ra đối với các đồng minh của Mỹ sẽ vấp phải sự trả đũa quân sự “quy mô lớn, hiệu quả và áp đảo”. 

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White cho biết: “Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã quả quyết rằng nước này vẫn duy trì cam kết vững chắc đối với việc phòng thủ của Hàn Quốc. Ông Mattis một lần nữa nhấn mạnh bất kể mối đe dọa nào nhằm vào Mỹ, lãnh thổ của nước này, hay đồng minh của nước này, sẽ đối mặt với sự trả đũa quân sự quy mô lớn, hiệu quả và áp đảo”.

Tuy vậy, ngay cả khi chính phủ Mỹ khẳng định rằng họ không có kế hoạch gì nữa, thì Triều Tiên vẫn sẽ nghi ngờ Washington muốn thay đổi chế độ Bình Nhưỡng bằng những hành động “thù nghịch”.

Và ngay cả việc Mỹ không dùng hành động quân sự với Triều Tiên thì Washington cũng tìm đủ cách để siết chặt sợ dây thòng lòng lên Triều Tiên. Có vẻ như điều này khả dĩ hơn và Mỹ cũng quyết tâm hơn.  Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết nếu LHQ không áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên liên quan đến các vụ thử hạt nhân của nước này, ông sẵn sàng trình một sắc lệnh hành pháp trình lên Tổng thống Donald Trump để được thông qua nhằm áp đặt trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào tiến hành giao thương với Bình Nhưỡng. Ông Mnuchin nêu rõ: "Tôi đã chuẩn bị sẵn một sắc lệnh hành pháp. Tôi sẵn sàng đệ trình lên Tổng thống. Nó sẽ cho phép tôi ngăn chặn các hoạt động thương mại và áp đặt các biện pháp trừng phạt với bất kỳ ai làm ăn với Triều Tiên. Tổng thống sẽ xem xét sắc lệnh này vào thời điểm thích hợp sau khi ông để cho LHQ có thời gian hành động".

Và cứ như vậy, thế giằng co giữa đôi bên vẫn tiếp tục diễn ra. Không ai đạt được mục đích chính của mình. Mỹ không buộc được Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân, Triều Tiên không ép Mỹ thừa nhận được vai trò như một cường quốc hạt nhân mà tất cả chỉ là ván cờ đẩy đi đẩy lại.

Cuộc “so găng” như thế này giữa Mỹ và Triều Tiên còn lâu mới có điểm dừng.