Sau hơn 36 năm thành lập, do hoàn cảnh địa lý với điều kiện đi lại khó khăn, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vẫn luôn ngập tràn tiếng cười của tình thầy trò dù nơi đây đang thiếu thốn.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có lẽ là ngôi trường nhiều cái không nhất: không điện và sóng điện thoại, không nước sạch, không trạm y tế, không chợ, không nhà công vụ, không công trình phụ cho cả giáo viên và học sinh.
Chặng đường đến trường gian nan của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Nguyễn Hiệp.
Điều đặc biệt, ở ngôi trường đặc biệt này là có tới 6 điểm trường với 44 giáo viên, nằm rải rác trên dãy Phà Cà Tún (Tri Lễ, Quế Phong) nơi không hề có giáo viên nữ.
Đường từ ngã 3 Châu Thôn vào điểm trường chính ở xã Mường Lống dài 25km, nhưng chỉ có vài km là đường nhựa, còn lại là đường núi khó đi và hiểm trở. Lối mòn năm xưa nay đã thành con đường dài khúc khuỷu, quanh co. Đường đi vào các điểm trường là những lối mòn cheo leo vắt qua sườn núi, mất cả tiếng đồng hồ chạy xe máy, còn những ngày mưa, phải đi bộ cả nửa ngày mới đến được các điểm trường.
Để cải thiện bữa ăn, ngoài giờ học,các giáo viên nơi đây phải xuống suối bắt cá. Ảnh: Nguyễn Hiệp.
Những con suối uốn lượn quanh các điểm trường là nguồn nước sinh hoạt duy nhất cho 44 thầy giáo. Sự khó khăn, gian khổ đó chính là nguyên nhân khiến ngôi trường đặc biệt này không có bóng dáng bất cứ cô giáo nào. Thay vào đó, 44 thầy giáo vẫn ngày đêm miệt mài cắm bản, vượt núi rừng để gieo chữ ở 6 điểm trường với 31 lớp học nơi núi rừng hiểm trở.
Vào chưa đến điểm trường thì bánh xe của thầy giáo đã dày đặc bùn lầy. Ảnh: Vĩ Dương
Trao đổi với Dân Việt, thầy Nguyễn Trọng Quyền - Hiệu phó Trường Tiểu học Tri lễ 4 cho hay: “Để có được ngày hôm nay, tập thể giáo viên nhà trường phải vượt qua biết bao vất vả khó khăn. Để vận động con em đến trường, nhiều thầy giáo phải có mặt tại trường từ tháng 8, dù mãi đầu tháng 9 mới khai giảng năm học mới. Các thầy giáo có mặt để vận động con em đến trường đến lớp đông đủ, dù khó khăn trăm bề, nhưng các thầy vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để con em bà con nơi đây được học chữ".
Thầy giáo và học sinh ở điểm trường Huồi Mới 2. Ảnh:Nguyễn Hiệp.
"Chúng tôi tự hào khi nhận được vinh danh, tập thể giáo viên chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để phát huy mọi khả năng có thể cùng các học sinh nơi đây khắc chế hoàn cảnh", thầy Nguyễn Trọng Quyền. |