Dân Việt

Nóng trong ngày: Giám đốc Công an TP.HCM "đau lòng" vì CSGT

P.V tổng hợp 08/09/2017 12:32 GMT+7
2 vụ liên tiếp về CSGT xảy ra tại TP.HCM đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh công an nhân dân, cuối cùng thì giám đốc Công an TP.HCM cũng đã lên tiếng. Câu chuyện "Bị đuổi đánh vì quay clip CSGT đang làm việc" và "Cảnh sát giao thông "làm luật" ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất" đang tiếp tục gây chú ý cộng đồng.

Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Phát ngôn của GĐ Sở Nội vụ TP.Cần Thơ: Không cho cán bộ mặc quần jean vì có nguồn gốc của dân chăn bò, chăn cừu; Bi hài quy định "nhà có người chết báo trước 3 ngày"...

Giám đốc Công an TP.HCM "đau lòng" vì CSGT: "Sai đến đâu chúng tôi xử lý đến đó, không bao che"

img

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM (bìa phải)

img

Nguời đàn ông lạ mặt đứng khá gần cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT Rạch Chiếc, PC67, Công an TP.HCM. Ảnh NLĐ

Sáng 8.9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết đã đọc 2 bài viết đăng tải vào hôm qua (7.9), gồm: "Bị đuổi đánh vì quay clip CSGT đang làm việc" (Báo Người Lao Động) và "Cảnh sát giao thông "làm luật" ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất" (Báo Tuổi Trẻ).

Nhìn nhận về câu chuyện này, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết hình ảnh người công an nhân dân chính quy đã bị sụt giảm, cảm thấy "đau lòng" trước sự việc.

Về quan điểm, Trung tướng Phong nói: "Tôi và Ban giám đốc Công an TP.HCM đã có chủ trương chỉ đạo rất nghiêm. Trước kia đã xử lý một số trường hợp chiến sĩ CSGT, điều này khẳng định một quyết tâm và hành đồng thực tế về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tiêu cực".

"Sai đến đâu chúng tôi xử lý đến đó, không bao che", Trung tướng Phong thông tin. 

Trước đó, như tin đã đưa, trên mạng xã hội xuất hiện clip do người dân quay lại cảnh một tổ công tác thuộc Đội CSGT Rạch Chiếc, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đang xử lý vi phạm tại khu vực cầu vượt Trạm 2 (giao giữa Quốc lộ 1 và xa Lộ Hà Nội).

Nội dung clip mô tả lại cảnh 2 cán bộ, chiến sĩ CSGT đang xử lý người vi phạm vào ngày 6.9. Kế bên đó, xuất hiện một người đàn ông mặc quần áo bình thường nhìn trước, ngó sau.

Khi thấy có người sử dụng máy quay ghi hình, người lạ mặt liền điều khiển xe máy mang BKS 74B1-07288 chạy theo chặn xe và có hành vi đuổi, đánh; đề nghị xóa clip.

Phát ngôn của GĐ Sở Nội vụ TP.Cần Thơ: "Không cho cán bộ mặc quần jean vì có nguồn gốc của dân chăn bò, chăn cừu"

img

Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ. Ảnh Một thế giới

Tiếp xúc báo chí ngày 7.9, trả lời về lý do đề xuất để UBND TP.Cần Thơ ban hành quyết định không cho cán bộ, công viên chức mặc quần jean, áo thun vào công sở, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ cho biết: “Nó xuất phát từ các nước Tây Âu. Nó không phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam nói chung, trong đó có TP.Cần Thơ”.

Theo ông Ba, trước khi soạn thảo, ông đã nghiên cứu, tham khảo các tài liệu thì thấy quần jean có xuất xứ từ các nước châu Âu, dành cho những người lao động mặc khi đi làm, sản xuất hoặc đi chăn bò, chăn cừu. Do đó, theo ông Ba, áp dụng vào TP.Cần Thơ và cả Việt Nam thì không phù hợp với loại trang phục này.

“Nó xuất phát từ các nước Tây Âu. Nó không phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam nói chung, trong đó có TP.Cần Thơ”, ông Ba cho biết lý do Sở Nội vụ Cần Thơ tham mưu soạn thảo Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của TP.Cần Thơ; trong đó có quy định công chức không được mặc quần jean, áo thun đi làm.

Bi hài quy định "nhà có người chết báo trước 3 ngày"

Nhà có người chết, hay bị tai nạn phải báo trước ba ngày, ốm đau cũng phải lên lịch trước mới được nghỉ... là những quy định vô lý khiến 6.000 công nhân ở Thanh Hóa đình công.

img

Công nhân Công ty TNHH S&H Vina ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đình công ngày 7.9 - Ảnh người dân cung cấp

Thậm chí, ngay cả ốm đau, nếu công nhân muốn xin nghỉ phép, cũng phải báo trước ba ngày. Công nhân còn phản đối quy định mỗi tháng chỉ được nghỉ phép duy nhất một ngày. 

Cô gái bị lột đồ, cắt tóc giữa đường xin miễn truy cứu nhóm người hành hung

Khi đến làm việc với Công an huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), chị N.T.V.K (26 tuổi, quê Lào Cai) đã đề nghị công an không điều tra vụ việc, không xử lý nhóm người xâm hại thân thể và làm nhục mình. Đồng thời chị K. nộp đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm người này và từ chối giám định thương tích.

img

Chị K. bị nhóm người hành hung ngay giữa đường (Ảnh cắt từ clip trên Facebook).

Liên quan đến vụ việc một cô gái bị 5 người hành hung, lột đồ, cắt tóc ngay giữa đường tại xã Bá Hiến (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) hôm 3.9 vừa qua, ngày 7.9, Công an huyện Bình Xuyên đã có thông tin chi tiết về sự việc này.

Theo tài liệu điều tra, năm 2006, chị Lê Thị Hải Đ. (34 tuổi), trú tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc kết hôn với anh Đặng Ngọc N. (35 tuổi, trú tại xã Thiện Kế, Bình Xuyên). Hai người có 2 con gái.

Năm 2016, chị Đ. phát hiện anh N. có quan hệ tình cảm với chị N.T.V.K (26 tuổi, đã có chồng và 2 con), hiện làm công nhân tại khu công nghiệp Bá Thiện I, thuê trọ tại thôn Trại Cúp.

Biết chồng có quan hệ ngoài luồng, chị Đ. nhiều lần khuyên can anh N. chấm dứt mối quan hệ nhưng hai người này vẫn tiếp tục qua lại với nhau.

Với mong muốn để chồng chấm dứt mối quan hệ với người tình, tháng 6.2017, chị Đ. đã thuyết phục được chồng xuống TP Hà Nội thuê trọ và hành nghề bán hoa quả dạo, nhưng anh N. vẫn liên lạc với người tình.

Sáng 3.9, anh N. nói với chị Đ. về Vĩnh Phúc họp lớp. Nghi ngờ chồng mình về Vĩnh Phúc để gặp người tình, chị Đ. đã âm thầm theo dõi. Trên đường đi, chị Đ. gọi điện thoại cho mẹ chồng và cháu trai con chị gái nhờ hai người này đến khu trọ của chị K. để theo dõi xem anh N. có đến đấy không.

Đến khoảng 6h40’ cùng ngày, chị Đ. nhận được điện thoại của cháu trai báo anh N. vừa đi vào phòng trọ của chị K. Sau đó, chị Đ. gọi điện cho V., em trai của anh N. đến và V. rủ thêm Hoàng Thị T. (con chú ruột anh N.), bà Đặng Thị O là bác của anh N. đến khu trọ.

Khi chị Đ. cạy cửa sổ thì phát hiện chồng và chị K. đang mặc quần áo. Sau đó, anh N. mở cửa, chị Đ. lao vào túm tóc chị K. lôi ra ngoài đường và cùng người nhà hành hạ, làm nhục nạn nhân...

Ngay sau khi xảy ra sự việc, chị K. đã bắt taxi đi khỏi khu trọ và không trình báo cơ quan công an. Còn anh N. sau đó cũng bỏ đi khỏi địa phương, chính quyền không liên lạc được.

Cho đến ngày 6.9, Công an huyện Bình Xuyên đã mời được chị K. và anh N. đến trụ sở làm việc. Theo lời khai của chị K và anh N., hai người nảy sinh mối quan hệ tình cảm nam nữ từ năm 2016. Sáng 3.9, giữa chị này và anh N. có quan hệ yêu đương thì bị vợ anh N. và người thân phát hiện….

Tại cơ quan điều tra, chị K. đề nghị cơ quan Công an không điều tra vụ việc, không đề nghị xử lý chị Đ. và những người liên quan đã xâm hại thân thể và làm nhục chị.

Đồng thời chị K. nộp đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người nêu trên, từ chối giám định thương tích.

Tài xế ôtô tông hất văng cảnh sát rồi bỏ chạy

img

Sáng 8.9, lãnh đạo Công an phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng, truy tìm tài xế ôtô tông vào một cán bộ thuộc phòng cảnh sát bảo vệ, khiến anh này bị thương trên đường Giải Phóng.

Theo một số nhân chứng, sáng 7.9, một số cán bộ Phòng cảnh sát bảo vệ (Công an Hà Nội) trong khi làm nhiệm vụ trước cổng bệnh viện Bạch Mai, đường Giải Phóng, đã phát hiện tài xế ôtô 4 chỗ mang biển kiểm soát Hà Nội vi phạm giao thông nên ra hiệu lệnh dừng xe.

Tuy nhiên, tài xế đã nhấn ga và lách qua hai cảnh sát rồi tông thẳng vào một cảnh sát khác đang đứng phía trước, khiến anh này bị ngã văng xuống đường, lăn vài vòng.

Nhiều người đi đường chứng kiến vụ việc đã đuổi theo để ngăn chặn tài xế ôtô nhưng bất thành.