Việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện được xem là động lực để ô tô sản xuất, lắp ráptrong nước cạnh tranh với xe nhập khẩu - Ảnh: Trần Hải
Với việc thuế nhập khẩu nội khối về 0% cùng nhiều chính sách khuyến khích sản xuất trong nước đã được đề xuất, dự kiến sẽ sớm được ban hành, nhiều người đang kỳ vọng một cú sốc giảm giá xe trong năm 2018. Tuy nhiên, để xe lăn bánh thì cộng lại chi phí chưa chắc đã rẻ.
Những chính sách mới tác động đến giá xe
Việc thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN giảm về 0% từ năm 2018 cũng là một chính sách được quan tâm nhất bởi nó có tác động trực tiếp và tức thì đối với giá xe. Theo đó, từ đầu năm 2018, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 30% về 0% đối với xe nhập nguyên chiếc, đạt hàm lượng giá trị khu vực từ 40% trở lên. Đây được coi là yếu tố khiến giá xe nhập giảm đáng kể và cũng là nhân tố khiến Nhà nước phải tính toán các giải pháp hạn chế xe nhập khẩu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, chủ trương này xác định nhập khẩu ô tô là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, Chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách phát triển công nghiệp ô tô trong nước với việc dự kiến ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích. Đầu tiên có thể kể đến đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ có hai phương án giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô trong 5 năm (từ 2018 - 2022), kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất, lắp ráp và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp cho các nhóm xe. Bộ Tài chính cho rằng, cả hai phương án đều khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được hưởng lợi thế từ chương trình ưu đãi thuế giảm chi phí, giảm giá bán để nâng cao sự cạnh tranh so với ô tô nhập khẩu. Qua đó, tăng sản lượng tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Khi áp dụng hai phương án này, sẽ khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thông qua việc tăng nhu cầu đối với linh kiện sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu ô tô. Dự kiến, chính sách giảm thuế nhập khẩu linh kiện này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 9 này để kịp có hiệu lực từ 1/1/2018.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), việc Chính phủ thực hiện việc giảm thuế linh kiện thì chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước giảm được giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh đối với ô tô sản xuất trong khu vực.
Sẽ không có cú sốc về giá xe
Khi được hỏi về giá xe ô tô trong năm 2018 liệu có giảm như kỳ vọng của nhiều người, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước nhận định, với việc giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% thì giá xe chắc chắn sẽ giảm nhưng sẽ không nhiều. Thậm chí, để lăn bánh một chiếc xe thì số tiền phải bỏ thêm có khi còn cao hơn là mức giảm giá bởi các loại thuế phí như: Thuế VAT, phí trước bạ... sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên. “Chắc chắn trước khi bước sang năm 2018, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách để cân đối với việc giảm thuế nhập khẩu. Hơn nữa, hạ tầng giao thông của chúng ta cũng chưa cho phép mở cửa hoàn toàn cho xe ô tô nên các loại thuế phí để hạn chế phương tiện sẽ được coi như là một hàng rào kỹ thuật hợp lệ nằm ngoài phạm vi các cam kết quốc tế và sẽ sớm được ban hành. Vì vậy, chi phí để sở hữu xe ô tô sẽ khó giảm nhiều như kỳ vọng”, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Nhận định về giá xe trong năm 2018, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận định, chắc chắn giá xe sẽ giảm so với trước đây nhưng vẫn sẽ cao hơn các nước trong khu vực. Theo ông Long, nguyên nhân khó có xe giá rẻ vì ô tô tại Việt Nam hiện vẫn phải chịu rất nhiều loại thuế phí. Bên cạnh đó, nếu được thông qua, nhiều loại thuế, phí liên quan đến ô tô sẽ có thể tăng trong thời gian tới khiến giá xe Việt Nam chỉ có thể rẻ so với trước đây, chứ vẫn cao so với khu vực và thế giới. “Muốn giá xe rẻ phải có sự thống nhất, hòa hợp giữa các bên. Như hiện nay Bộ Công thương muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng Bộ Tài chính lại đang đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện cho ô tô có thể đi lại, lưu thông một cách dễ dàng thì rất khó có xe giá rẻ…”.
Bộ Tài chính cũng vừa đưa ra hàng loạt đề xuất như tăng thuế phí đối với dòng xe bán tải hay tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12%. Bên cạnh đó, mức lệ phí trước bạ cũng có thể sẽ tăng từ 10% lên 15% đối với các tỉnh, thành trong phạm vi cả nước và từ 12% lên 18% đối với riêng Hà Nội trong thời gian tới…
Bên cạnh đó, theo nhận định của một số chuyên gia, sở dĩ giá xe năm 2018 sẽ khó tạo ra một cú sốc bởi mức giá bán ra của những dòng xe đó đã giảm gần như tương đương... thuế suất 0% vì các doanh nghiệp tự chủ động giảm giá để cạnh tranh. Hơn nữa, các dòng xe nhập khẩu ngoài khu vực ASEAN không được hưởng ưu đãi thuế quan từ chính sách mới nên việc kỳ vọng giá xe giảm sốc là không có cơ sở.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để giá xe ngang bằng với các nước trong khu vực, các cơ quan chức năng cần phải tạo điều kiện cho ngành sản xuất ô tô trong nước phát triển. Tại Việt Nam hiện nay, nền công nghiệp ô tô đang đứng bằng hai chân là nhập khẩu và sản xuất lắp ráp trong nước. Nếu chính sách, điều kiện không tốt, rất có thể các hãng sẽ chuyển sang đứng bằng một chân là nhập khẩu. Nhưng tạo điều kiện, hỗ trợ phải xem xét, đánh giá hiệu quả thực sự mang lại, chứ không phải chỉ nghe các doanh nghiệp cam kết. Bởi sau bao nhiêu năm hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp cam kết tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt trên 40%. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ nội địa hóa ô tô trung bình tại Việt Nam chỉ đang ở mức 7 - 8%. |