Dân Việt

Họp nhiều có nâng thêm trách nhiệm?

Quân Minh 10/09/2017 07:22 GMT+7
Mấy bữa nay dư luận TP.HCM thú vị vô cùng vụ người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu nghiên cứu ngay việc giảm họp, để cán bộ dành thời gian nhiều hơn nữa cho người dân.

Việc chậm trễ do bận họp này nhiều người cho rằng nhỏ nhưng cũng không ít người cho là lỗi lớn, bởi nhiều khi ảnh hưởng rất lớn, nếu không muốn nói là sống còn đối với người dân đang chờ họ ký.

img

Nhiều hồ sơ thụ lý trễ chủ yếu do lãnh đạo phải đi họp.

Nói là sống còn nhiều người sẽ cười và bảo tại người viết nâng quan điểm. Thế nhưng, thực tế đó là sự thật. Thử tưởng tượng có ngày bạn phát hiện ra mình hợp với một vị trí tuyển dụng và có thể “thắng chắc”, nhưng thời gian nộp hồ sơ chỉ còn đúng trong ngày mà lên phường, xã nhờ xác nhận cái bản lý lịch để nộp, lại bị trả lời câu “lãnh đạo đi họp hết rồi” thì bạn thấy sao? Gần đây nhất là câu chuyện lùm xùm liên quan đến giấy chứng tử ở Hà Nội, mà nguyên nhân cũng từ “bận họp” mà ra.

Vậy cái sự họp triền miên của các cấp chính quyền xuất phát từ nguyên nhân nào? Nói đến đây chắc chắn sẽ có người giải thích là do việc nhiều nên phải họp giải quyết. Rồi họp để đôn đốc, chấn chỉnh cấp dưới, tránh trường hợp chây ỳ. Rồi họp để cùng nhau tìm ra nguyên nhân trì trệ của một số sự vụ này nọ… Những cách giải thích trên đều có lý. Thế nhưng, thử nhìn vào lịch họp của các vị cán bộ sở, ngành dưới đây bạn thấy điều gì.

Trong cuộc họp với chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong mới đây, giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư Sử Ngọc Anh đã phản ánh thực trạng sở, ngành, quận, huyện thành phố họp hành quá nhiều. Đặc biệt, sở có ba áp lực rất lớn: sức ép về công việc, sức ép về lập nhiều tổ công tác và sức ép về... các cuộc họp mà lãnh đạo sở phải dự.

Dẫn chứng, ông Anh cho biết trong bảy tháng đầu năm 2017, sở tiếp nhận 2.114 thư mời họp từ các cơ quan, đơn vị. Rồi giám đốc sở Quy hoạch – kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã cũng cho hay từ đầu năm đến nay, giám đốc, ba phó giám đốc và lãnh đạo phòng ban, cán bộ chủ chốt của sở phải dự hơn 1.500 cuộc họp.

Không biết bạn thấy gì, nhưng tôi lại thấy đang có cái gì đó bất ổn trong cơ chế chịu trách nhiệm, nên mới nảy sinh chuyện họp nhiều đến vậy. Đó là quận, huyện không dám quyết nên mới nhờ đến sở, ngành vào cuộc để cùng quyết. Đó là phường, xã sợ trách nhiệm nên nhờ quận, huyện cùng vào.

Nói vậy thì phải giải thích. Cơ sở giải thích rõ nhất cho lập luận trên chính là chuyện hàng loạt những sai phạm phải chịu mức xử lý... kỷ luật tập thể cán bộ phường,xã hay quận, huyện, sở, ngành.

Kỷ luật tập thể là chia trách nhiệm phân tán, người trực tiếp gây ra sai lầm đã được chia bớt trách nhiệm.

“Từ quan điểm đó, các cấp ngành, địa phương nên mạnh dạn làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm để bớt những cuộc họp không cần thiết; dành thời gian đi cơ sở nhiều hơn, gần dân hơn, ban hành những chủ trương sát hợp đời sống, hiệu quả cao. Hơn nữa, thời đại công nghệ thông tin phát triển sẽ có thêm phương tiện để chuyển tải thông tin, hãy tận dụng để bớt họp hành nặng nề. Chưa có một thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn rằng giá trị vật chất quy đổi từ nhân lực, vật lực, thời gian trong các cuộc họp là rất lớn. “Bớt họp là tiết kiệm đáng kể, là giảm tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội”, một nhà báo có thâm niên trong mảng chính trị – công đoàn, đã viết như vậy.