Không chỉ Cần Thơ và Đà Nẵng, tại TP.HCM, năm qua, gần như toàn bộ bác sĩ khoa tim mạch của một bệnh viện công ở quận 5 lần lượt chia tay, khiến lãnh đạo bệnh viện này “chới với”. Trong khi đó, ở bệnh viện N., một trong những bệnh viện công hàng đầu của thành phố, từ đầu năm đến nay có gần chục bác sĩ thâm niên lâu năm xin nghỉ việc, tương đương con số năm trước. Họ bỏ sang làm tư hoặc mở cơ sở y tế riêng.
Làm việc căng thẳng, áp lực cao nhưng thu nhập thấp khiến cho nhân viên y tế “nhảy việc” từ công lập sang tư nhân. Ảnh có tính minh họa.
Bác sĩ M., 23 năm trong nghề, lý giải: “Bệnh viện công ngày càng nhiều áp lực, nhưng chế độ đãi ngộ lại thiếu công bằng, một bác sĩ đầu tư bao công sức, học hành cực khổ mà lương thua lương của một bảo vệ làm lâu năm”.
Kh., bác sĩ tiêu hoá làm việc 12 năm trong nghề, cũng dao động không ít khi thấy vài đàn anh bỏ việc ra ngoài làm với thu nhập hấp dẫn. Anh tâm sự: “Ngoài làm chuyên môn, tôi còn kiêm nhiệm thêm một số việc của đoàn thể, làm quần quật sáng, chiều nhưng thu nhập mỗi tháng chỉ tròm trèm hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó một cơ sở y tế tư chào mời tôi mức lương gấp năm lần”.
Một bác sĩ đang làm cho một hệ thống phòng khám tư nhân có tiếng, cho biết mức lương của chị gần 40 triệu đồng, nhưng chị chỉ làm chuyên môn, mỗi buổi khám chục bệnh nhân và không phải làm biết bao công việc vô hình như khi làm ở bệnh viện công. Chị nói: “Tôi không phải hội họp hay làm báo cáo. Nghịch lý là ở bệnh viện công bạn càng làm tốt thì sếp càng giao việc nhiều, thế nhưng thu nhập của bạn lại không tương xứng”.
Công bằng mà nói, cũng có những cơ sở y tế công “ăn nên làm ra” thu hút nhân lực từ nơi khác về. Năm qua, một bác sĩ giỏi nghề của bệnh viện N. nghỉ việc, ông không đi đâu xa mà chuyển xuống một bệnh viện quận gần đó hơn 500m để đầu quân. Được biết thu nhập của ông ở bệnh viện loại 2 này lại gấp ba lần bệnh viện loại 1, nơi ông từng cống hiến trong 20 năm trời trước đó.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là số ít trường hợp hiếm hoi, phần lớn bác sĩ công nghỉ việc đều sang làm cho khu vực y tế tư nhân, nơi ngày càng được đầu tư bài bản và có chiều sâu. Q., bác sĩ lĩnh vực hiếm muộn, nói: “Trước đây bác sĩ nấn ná làm ở bệnh viện công vì có cơ hội nâng cao tay nghề hay học tập ở nước ngoài. Ngày nay, nhiều bệnh viện tư sẵn sàng cho bác sĩ đi tu nghiệp nước ngoài một thời gian để về làm việc. Cơ hội phát triển tay nghề gần như ngang nhau, nhưng với môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập nhiều hơn người ta sẽ chọn khu vực tư nhân”.
Nhìn chung môi trường làm việc căng thẳng, nhiều áp lực, thu nhập thấp khiến cho bệnh viện công lập không còn là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhân viên y tế, trong đó có cả điều dưỡng. Gặp một bác sĩ tai mũi họng tuần qua, anh cho biết cơ sở mình làm cũng có tình trạng “chảy máu chất xám” sang khu vực tư, nhưng theo anh, bác sĩ nghỉ còn tuyển được người mới chứ điều dưỡng nghỉ thì rất khó tìm.
Anh nói: “Vài năm trước bệnh viện tôi chỉ tuyển điều dưỡng đào tạo từ trường công lập và “chê” điều dưỡng đào tạo từ trường tư thục, nhưng nay đăng tin tuyển điều dưỡng bất kể nguồn nào cũng không tìm được ai. Có ca trực một điều dưỡng phải chăm sóc cho gần 100 giường bệnh, thật không thể tin nổi”.
Nói về thực trạng bác sĩ công nghỉ việc chuyển ra ngoài làm, tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng giữa tháng qua, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, giám đốc sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết y tế tư nhân góp phần giảm tải, đa dạng hoá các dịch vụ, phục vụ người dân, nhưng điều đáng lo là các bác sĩ “nhảy việc” thường là người giỏi, như thế vô hình trung người nghèo vào bệnh viện công sẽ không có cơ hội được bác sĩ giỏi chữa trị.
Để đối phó với tình trạng “chảy máu” nhân lực, một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng đào tạo người tại chỗ bằng hình thức liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, nhưng có người cho rằng điều này chỉ giải quyết được “lượng” chứ khó giải quyết được “chất”. Như thế, người nghèo khó tiếp cận được thầy thuốc giỏi là điều có thật.