Thật ra thì ngay từ đầu nhiều người đã có chung nhận định rằng thể thao Việt Nam thành công tại SEA Games 29 vừa qua, bất chấp chúng ta suýt nữa không hoàn thành chỉ tiêu lọt vào top 3, đồng thời cũng không đủ chỉ tiêu huy chương.
Có nghĩa là dư luận nói chung không quan tâm đến số lượng. Cái mà người ta cần là chất lượng, thì thể thao Việt Nam trên đất Malaysia nhìn chung đáp ứng được. Trong số 58 HCV của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games, có đến 46% số lượng HCV đến từ 2 môn quan trọng nhất tại các kỳ tranh tài thể thao là điền kinh (17 HCV) và bơi (10 HCV). Nội chi tiết đấy đã là thành công lớn.
Đừng tưởng người Thái không sót xa khi họ bị thể thao Việt Nam qua mặt ở 2 môn quan trọng nhất kể trên, họ dự định còn mở cả nhiều cuộc hội thảo sau khi kết thúc SEA Games, để nói về việc bị Việt Nam vượt lên trước ở môn điền kinh và môn bơi.
Không cải thiện chất lượng giải quốc nội, các đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục với nguy cơ thiếu ổn định.
Đi tìm thành công trong điền kinh và bơi dĩ nhiên không hề đơn giản, bởi như đã nói tất cả các quốc gia đều muốn có thành công ở các môn này, những môn vốn là hình ảnh của cả một nền thể thao, nên tính cạnh tranh rất lớn.
Vấn đề ở đây là khâu định hướng và cách làm. Tiếc là ở Việt Nam, trong khi 2 môn nọ có định hướng đúng, chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư trọng điểm, từ số lượng sang chất lượng, thì bóng đá lại không được như vậy.
Để đi tìm thành công tại SEA Games, giới bóng đá Việt Nam hầu như chỉ mới quan tâm đến đội tuyển U22 Việt Nam, cho rằng chỉ cần đầu tư cho 1 thế hệ cầu thủ, một nhóm cầu thủ là sẽ có HCV.
Sau thất bại tại SEA Games, một vài nhân vật làm công tác quan lý bóng đá cũng lên tiếng về chuyện sẽ đầu tư cho đội này, đội kia ở những giải đấu cụ thể. Nhưng điều mà nền bóng đá cần đấy là thay đổi phần nền tảng của bóng đá nội lại ít người nhắc đến, hoặc có nhắc thì cũng chưa đưa ra định hướng sẽ thay đổi nền tảng đấy, tức là thay đổi giải V.League ra sao?
Đào tạo trẻ vốn chỉ là một phần việc, nhằm phát hiện và bồi dưỡng các cầu thủ có triển vọng, phần rất quan trọng khác chính là môi trường để họ thi đấu và phát triển, tức V.League lại đang yếu kém, trong khi tất cả cầu thủ và HLV nội đều từ đó mà khoác áo các đội tuyển quốc gia.
Thành ra, ở độ tuổi 19 – đôi mươi trở xuống, bóng đá Việt Nam không thiếu thành tích tại Đông Nam Á, thậm chí đã có vé dự VCK World Cup U20, nhưng từ lứa U22 – U23 trở về sau, chúng ta càng lúc càng tụt hậu so với khu vực Đông Nam Á.
Tất cả đều liên quan đến môi trường phát triển của chính các cầu thủ vừa nêu. Bóng đá Việt Nam khó có đội tuyển mạnh trong một môi trường V.League èo uột, vừa thiếu sức cạnh tranh, vừa vắng khán giả, vừa luôn ở trong tình trạng thích thì tạm ngưng, thỉnh thoảng lại có đội giải tán.
Bóng đá Việt Nam không tập trung đúng trọng điểm trong việc cải thiện chất lượng của làng cầu cũng ở chỗ đấy: Điều mà người ta cần là làm gì để V.League giải quyết được tình trạng hạng trên nhiều đội hơn hạng dưới, vốn chưa hề có tiền lệ trên khắp thế giới ít được nghe nhắc đến?
Làm gì để V.League thu hút được người xem, giải quyết tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”, để tăng tính cạnh tranh, tăng sự sòng phẳng lại chẳng thấy được đề cập, hoặc có cảm giác người ta đang lờ đi?
Không thay đổi được hiện trạng V.League yếu kém, có tập trung cho bao nhiêu đội tuyển thì vẫn không thay đổi phần nền tảng, mà chẳng có nền bóng đá nào trên thế giới phát triển bền vững nếu như yếu đi phần nền tảng đấy!