Dân Việt

Nga, Trung Quốc có cứu Triều Tiên thoát "đại nạn" ngày mai?

Phương Đăng 10/09/2017 20:35 GMT+7
Mỹ đã yêu cầu bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên với một loạt chế tài mới cứng rắn chưa từng có tại Liên Hợp Quốc vào ngày mai (11.9). Liệu Nga và Trung Quốc sẽ "cứu" hay bỏ mặc Triều Tiên?

img  

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Washington đã đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết yêu cầu áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có đối với Triều Tiên bao gồm cấm xuất khẩu dầu mỏ cho nước này, đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cấm nhập khẩu hàng dệt may Triều Tiên và chấm dứt các khoản thanh toán cho các công nhân đang làm việc ở nước ngoài của nước này.

Theo đó, cuộc bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên sẽ diễn ra vào phiên họp ngày mai (11.9) gần một tuần sau khi Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch và có dấu hiệu tiếp tục thử tên lửa đạn đạo.

Các nhà ngoại giao tiết lộ rằng, Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức bỏ phiếu nhanh chóng nhằm gây áp lực tối đa lên Trung Quốc và phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của Washington về vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên vào cuối tuần trước.

Sau thành công của vụ thử, Bình Nhưỡng tự hào tuyên bố về vị thế "cường quốc quân sự thế giới" và tỏ thái độ thù địch chống Mỹ rõ ràng. Trang nhất Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ca ngợi nước này đã trở thành một "cường quốc hạt nhân bất khả chiến bại".

img  

Ông Kim Jong-un đưa ra chỉ thị và phương hướng chế tạo bom nhiệt hạch gắn vào tên lửa tầm xa.

Mặc dù Trung Quốc từng tuyên bố về khả năng sẽ hỗ trợ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Triều Tiên, nhưng các nhà ngoại giao tin rằng, họ tin Bắc Kinh và Moscow sẽ phản đối. Các nguồn tin ngoại giao còn tiết lộ, Bắc Kinh và Moscow đã phản đối tất cả các biện pháp cấm vận trên, ngoại trừ lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may, tại một cuộc họp giữa các đại diện của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cũng lên tiếng cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không giúp thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Còn phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc soạn thảo nghị quyết mới về các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên đang được tiến hành, và vẫn còn quá sớm để dự đoán về văn bản cuối cùng này. 

Trong khí đó, các quan chức Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ châm ngòi một sự bất ổn lớn tại nước láng giềng. Thái độ của Bắc Kinh và Moscow đang được dò xét cẩn thận vì 2 nước này là đồng minh của Bình Nhưỡng. 

Ông Artyom Lukin, một chuyên gia của Đại học Viễn Đông Nga nói rằng Bắc Kinh và Moscow có nhiều lợi ích chiến lược tại Triều Tiên và cả hai đều lo sợ sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ gây ra sự bất ổn lớn trên biên giới của họ.

"Nga và Trung Quốc đều quan tâm đến sự tồn tại của Triều Tiên, mà họ coi là một sự ngăn chặn liên minh do Mỹ dẫn đầu làm chủ ở Đông Bắc Á. Moscow và Bắc Kinh đang lo ngại về Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự hiếu chiến của Trump có thể gây ra một cuộc chiến tranh thảm khốc trên bán đảo Triều Tiên, trong đó các nước láng giềng có thể hứng chịu những hậu quả kinh tế và môi trường khủng khiếp", ông Lukin nhấn mạnh.