Ngôi chùa Chèo đã được xây dựng từ lâu đời. Ảnh Ngô Hùng
Chùa chờ đổ?
Từ tháng 8.2017, trên mạng xã hội, một số người dân đã chia sẻ những hình ảnh về ngôi chùa Chèo ở xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng. Những chiếc cột to lớn, những cánh cửa, mè, rui… bị mối mọt ăn mục ruỗng. Ám ảnh hơn cả, để tránh cho việc ngôi chùa bị đổ sập chôn vùi những bức tượng cổ, người dân đã phải dùng rất nhiều cây gỗ để chống lên mái.
Chùa Chèo còn có tên gọi là chùa Thánh Lộ tự thuộc xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đây là ngôi Chùa cổ gồm 9 gian có 73 ngôi Tượng Phật, trong đó có 6 ngôi tượng đá rất quý hiếm ở Việt Nam. Chùa đã được trùng tu lần gần đây nhất vào thế kỷ 17. Trải qua thời gian, hiện nay ngôi chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Những cây cột lớn đã bị mối mọt ăn mục ruỗng. Ảnh Ngô Hùng
Ban hội tự chùa Chèo và các cụ trong quanh vùng làm đơn xin tu sửa, đồng thời nhiều người dân cũng chia sẻ thông tin, mong nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
“Việc chùa xuống cấp diễn ra trong một thời gian dài, hiện đang ở mức đặc biệt nghiêm trọng, việc dùng cây để chống chỉ là biện pháp tạm thời. Nếu không được tu sửa ngay, chùa sẽ đổ sập bất cứ lúc nào” - bà Lê Thị Thời, Trưởng ban hộ tự chùa Chèo chia sẻ.
Cũng theo bà Thời, nếu để năm sau tu sửa thì tỉnh Bắc Giang có thể hỗ trợ 70 triệu đồng. Tuy nhiên, trước việc chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, sau khi họp bàn, người dân địa phương quyết định sẽ tiến hành xin phép trùng tu, sửa chữa ngay trong năm nay.
Chùa có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Chùa cổ có được cứu?
Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thủy, công chức văn hóa xã hội UBND xã Thái Sơn cho biết, chùa Chèo đang bị xuống cấp nghiêm trọng, việc tu sửa ở mức cấp bách. Hiện nay chính quyền địa phương đang thuê đơn vị chuyên môn làm hồ sơ để xin phép Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang cho trùng tu, sửa chữa.
Trong khi chờ đợi, người dân đành phải lấy cây chống tạm cho mái đỡ sập. Ảnh Ngô Hùng
Bà Thủy cho biết thêm, năm nay nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho việc tu sửa này đã hết, huyện có chủ trương hỗ trợ cho 50 triệu đồng, tuy nhiên trên địa bàn xã Thái Sơn có 2 di tích đều có đơn xin tu sửa, chưa biết số tiền trên được phân bổ thế nào, còn UBND xã Thái Sơn thì nguồn kinh phí hạn hẹp, cùng lắm cũng chỉ hỗ trợ được khoảng 10 triệu đồng.
“Số tiền cần để trùng tu, sửa chữa chùa Chèo hết khoảng gần 1 tỷ đồng. Số tiền huyện hỗ trợ thì gần như chỉ đủ cho việc thuê đơn vị làm hồ sơ xin phép, vẽ thiết kế… Nguồn lực chỉ biết huy động từ người dân địa phương và các nhà hảo tâm khắp nơi”, bà Thủy cho hay.
Ông Hoàng Đăng Nhung, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn xác nhận việc chùa Chèo đang xuống cấp một cách nghiêm trọng và cần được trùng tu, sửa chữa ngay. Khi được hỏi về kinh phí để thực hiện, ông Nhung cho biết: “Năm ngoái xây ngôi đình cạnh chùa Chèo cũng hết gần tỷ, nhưng đến nay các cụ lo cũng xong”.
Trái ngược với sự lạc quan của Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, bà Lê Thị Thời cho biết người dân nơi đây thuộc dạng nghèo nhất huyện. Ngôi đình vừa xây xong, huy động nhân dân mãi mới trả xong, giờ tu sửa chùa với số tiền lớn vậy, chẳng biết sẽ huy động thế nào.
“Với số tiền cả tỷ đồng sẽ là khó khăn lớn và khó thực hiện khi vận động người dân địa phương. Để chùa Chèo được trùng tu, sửa chữa sẽ cần nhiều sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm từ khắp nơi. Như thế ngôi chùa cổ này mới không bị đổ sập”, bà Thời nói.