Từ chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười của Tỉnh ủy Long An và bàn tay, khối óc của cán bộ, người dân nơi đây, vùng đất chết ngày nào giờ đã trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Đầu tháng 9 này, khi nước lũ đang về tràn đồng, phóng viên NTNN về Đồng Tháp Mười xem lũ và xem bà con nông dân làm cánh đồng lớn.
Ký ức trị phèn…
Nông dân thu hoạch lúa từ cánh đồng lớn ở huyện Thạnh Hóa, Long An. Ảnh: T.T.Đ
Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của vùng ĐBSCL với tổng diện tích 697.000ha, trải rộng trên 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp (trong đó, Long An chiếm hơn 60% diện tích). Trong 697.000ha đất và mặt nước ở Đồng Tháp Mười, có 350.000ha đang canh tác, chủ yếu là lúa với tổng sản lượng trên 3 triệu tấn/năm, đóng góp 20% lượng gạo xuất khẩu của ĐBSCL. |
Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã từng có dịp về Đồng Tháp Mười. Lúc ấy, duy nhất có Đường tỉnh 49 vỡ nát (sau này nâng cấp lên Quốc lộ 62) là tuyến độc đạo xuyên Đồng Tháp Mười. Giờ miền đất này đã đổi thay rất nhiều khi có biết bao tuyến đường dọc ngang được trải nhựa về với vựa lúa lớn nhất tỉnh.
TS Mai Thành Phụng - nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ NNPTNT - cho biết, cách đây hơn 30 năm, khi vào vùng Đồng Tháp Mười nghiên cứu trị phèn, TS Melforw - một chuyên gia về đất phèn của Hà Lan, đã cảnh báo “muốn xử lý 1ha đất phèn phải tốn cả triệu USD”. Hai giáo sư địa chất Liên Xô (cũ) vào Nông trường Láng Biển lấy mẫu đất đem về nước phân tích cũng kết luận: “Đồng Tháp Mười không thể trồng lúa!”. Có lẽ Đồng Tháp Mười sẽ mãi là “vùng đất chết” nếu như không có dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười (ISA/FOS/ĐTM). Khi ấy, TS Mai Thành Phụng là Phó Chủ nhiệm Dự án ISA/FOS/ĐTM. Theo ông, việc đánh thức Đồng Tháp Mười thành công là dựa trên quy luật “né phèn chứ không đối đầu”. “Với đất phèn, chỉ có thể né phèn chứ không thể đối đầu. Chiến thuật chinh phục đất phèn của dự án là ém phèn tầng sâu, rửa phèn tầng mặt, nói nôm na là đáy ướt, mặt khô” – TS Mai Thành Phụng giải thích.
Vào mùa khô, dự án cho cày mặt ruộng lên khoảng 10 - 15cm, nhằm ém lớp phèn đang nằm yên phía dưới. Khi lũ xuống, dòng lũ sẽ cuốn trôi tất cả những tàn tích phèn độc hại và để lại trên mặt những lớp phù sa. “Để chinh phục đất phèn, điều kiện đầu tiên là vùng đất này phải có nguồn nước ngọt. Sau đó làm hệ thống thủy lợi cho mỗi ô ruộng với những kênh xương cá nối với kênh tiêu nước, sổ phèn” - TS Phụng nói.
Dự án ISA/FOS/ĐTM kéo dài 12 năm mới chinh phục được đất phèn. Từ thành công chinh phục đất phèn ở vùng đất chết, các phương pháp rửa phèn đã được chuyển giao cho cả vùng Đồng Tháp Mười thông qua các lớp khuyến nông. Các Chủ tịch xã ở Đồng Tháp Mười phải đi học 3 ngày, cán bộ kỹ thuật đi học 6 tháng…
Theo nhiều lão nông tri điền ở đây, khi Dự án ISA/FOS triển khai, phân lân là chìa khóa mở của vùng đất hoang. Không có phân lân để ém phèn thì trồng lúa chỉ có phá sản. Nông dân cứ bám vào kỹ thuật của dự án hướng dẫn mà trị phèn, làm lúa.
Giờ đây, Đồng Tháp Mười đã trở thành vựa lúa của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp với năng suất 6 - 7 tấn/ha, ngang ngửa An Giang - tỉnh có năng suất lúa bậc nhất của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Tôi hỏi TS Phụng, hơn 350.000ha đất phèn ở Đồng Tháp Mười giờ còn bao nhiêu ha chưa khai phá? Ông cười vui: “Đất phèn Đồng Tháp Mười đã bị lượm sạch rồi”.
Ra sức khai phá “vùng đất chết”
Phải hơn chục năm tôi mới trở lại xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh, Long An). Ngày đó, tôi cũng đi xem bà con nông dân khai hoang Đồng Tháp Mười. Xã Tân Lập lúc đó còn nghèo, nhưng giờ bộ mặt đã khá khang trang. Tất cả cũng nhờ hạt lúa.
Gặp lại “cố nhân”, lão nông tri điền Năm Nhung (Hồ Năm Nhung) mừng ra mặt. Hơn 10 năm trước, chính ông Năm Nhung lấy tắc ráng chở tôi vào cánh đồng hoang xem bà con khai hoang. Vùng đất hoang rộng 300ha toàn cỏ năn, cỏ mồm mọc lút đầu, nước phèn đỏ quạch. Dự án ISA/FOS/ĐTM triển khai đào kênh Dương Văn Dương xẻ dọc vùng đất hoang để sổ phèn, dẫn nước ngọt. Nhờ được trị phèn, vùng đất hoang hóa đã được “đánh thức”, cho năng suất lúa lên 6 – 7 tấn/ha. Lúc ấy, ông Năm Nhung nhanh chân vào đây mua một lúc mấy ha đất làm lúa.
“Nhờ cây lúa, bà con ở đây khá lên rất nhiều. Thời khốn khó khai hoang đã qua rồi, giờ bà con ra sức khai thác đất. Phong trào cánh đồng lớn, liên kết làm ăn đang diễn ra khá rầm rộ ở đây” - ông Năm Nhung thổ lộ.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đinh Văn Định cho biết, xã đã triển khai chương trình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa cho bà con nông dân. “Hiện công tác xác định vùng lúa chất lượng cao, vùng lúa ứng dụng công nghệ cao đã thực hiện một số khâu trong quá trình canh tác. Xã đã rà soát tổ chức cho các hộ dân đăng ký thực hiện hơn 1.400ha, và đến năm 2020 sẽ nâng lên 2020ha” - ông Định thông tin.
Mô hình cánh đồng lớn cũng thu hút khá nhiều nông dân tham gia tại huyện Tân Hưng (Long An). Đưa chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa áp dụng theo mô hình cánh đồng lớn, ông Lê Văn Ký (xã Vĩnh Thạnh) cho biết, từ khi tiến hành dồn điền, phá bờ thửa hợp thành một cánh đồng lớn để đưa cơ giới vào sản xuất, không còn cảnh sản xuất manh mún.
“Trước kia, làm ruộng chủ yếu vẫn là mạnh nhà ai nhà ấy làm; nhà cấy sớm, nhà cấy trễ; nhà thì phun thuốc bảo vệ thực vật, nhà thì không phun nên sâu, rầy từ ruộng này lại lây sang ruộng khác làm giảm năng suất” - ông Ký chia sẻ.