Dân Việt

Hà Nội sẽ xây 14 cây cầu nghìn tỷ vượt sông để giảm ùn tắc

Thành An 12/09/2017 16:42 GMT+7
Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng 14 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống trong thời gian tới.

Chiều 12.9, tại buổi giao ban Báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Duy Tuấn - PGĐ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng 14 dự án cầu qua sông Hồng và sông Đuống trong thời gian tới.

Cụ thể, có 10 cầu qua sông Hồng, gồm: cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở, cầu Phú Xuyên. Bốn cầu còn lại xây dựng qua sông Đuống, gồm: cầu Đuống 2, cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên, cầu Mai Lâm.

Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện 5 dự án xây dựng với số tiền lên tới hơn 36.000 tỷ đồng.

img

PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn công bố nội dung quy hoạch 14 cầu vượt sông.

Cụ thể, Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Quy mô đầu tư được tính từ điểm cầu kết nối với đường Nghi Tàm và đường quy hoạch dọc đê Hữu Hồng, điểm cuối nút giao với đường vành đai 3 và cao tốc Hà Nội 0 Thái Nguyên. Kinh phí dự kiến 17.000 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Dự kiến sẽ sử dụng quỹ đất tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh) và xã Yên Thường, Yên Viên (huyện Gia Lâm) với tổng diện tích khoảng 193ha.

Thứ hai là Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh được xây dựng nhằm hỗ trợ giảm tải cho cầu Đuống cũ đã xuống cấp, kết nối với phía Bắc, với chi phí khoảng 6.000 tỷ đồng, có chiều dài cầu 0,5km, đường 4,2 km, hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT.

Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng, với mục tiêu kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông Hà Nội, nhằm giảm tải cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương, với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2019, theo hình thức đầu tư BT.

Dự kiến sẽ khai thác quỹ đất của huyện Gia Lâm (34ha), huyện Gia Lâm (78,4ha), quận Long Biên (320ha).

Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu được xác định huyện Gia Lâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Hà Nội, gồm cầu Giang Biên và đường dẫn hai cầu. Điểm đầu là điểm cuối của tuyến đường trong khu đô thị Vicom Village. Điểm cuối là nút giao với tuyến đường vành đai 3. Dự án có quy mô chiều dài hơn 5km, mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2020, theo hình thức BT.

Để thu hồi vốn đầu tư UBND TP.Hà Nội sẽ lấy một phần của KĐT mới xã Đình Xuyên (Gia Lâm) cà khu đất có diện tích khoảng 53,3ha thuộc ô quy hoạch.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), được xác định sẽ hoàn thành đồng bộ, khép kín tuyến đường vành đai 2, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, góp phần giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển các khu đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng. Dự án có quy mô dài hơn 3km.

Phương án thu hồi vốn đầu tư, UBND TP.Hà Nội sẽ sử dụng quỹ đất đối ứng của Dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên theo hình thức hợp đồng BT, bao gồm khai thác quỹ đất 34ha tại xã Dương Xã, 78,4 ha xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) và 320ha đất quận Long Biên.

Ông Vũ Duy Tuấn - PGĐ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết, đây là số tiền rất lớn, ngân sách TP không đảm bảo được. Ví dụ: đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục, giai đoạn này là hơn 7.000 tỉ đồng, ngân sách… do đó sẽ kêu gọi các chủ đầu tư vào xây dựng. TP sẽ hỗ trợ cho các chủ đầu tư những thủ tục một cách nhanh nhất. Đồng thời những lãnh đạo cao nhất của TP sẽ chỉ đạo, giám sát nghiêm minh để đảm bảo tiến độ của dự án.